Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã công bố Báo cáo cập nhập tình hình kinh tế Châu Á và Việt Nam 2015, qua đó nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2015 từ 6.1% lên 6.5%. Đồng thời nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2016 từ 6.2% lên 6.6%.
Cập nhập dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam của ADB
|
“Kết quả tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được cải thiện nhờ vào một loạt yếu tố, đặc biệt là sản lượng khu vực sản xuất công nghiệp tăng mạnh, chi tiêu tiêu dùng cũng tăng và ổn định kinh tế vĩ mô được cải thiện,” ông Eric Sidgwick, Giám đốc ADB tại Việt Nam phát biểu.
Báo cáo cho biết sản lượng trong khu vực sản xuất công nghiệp có tốc độ tăng trưởng tốt, tăng 9.9% trong sáu tháng đầu năm nhờ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đẩy mạnh sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Đà tăng trưởng này dự báo sẽ được tiếp tục duy trì khi tốc độ giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong sáu tháng đầu năm đạt mức kỷ lục. Tốc độ tăng trưởng trong ngành xây dựng cũng tăng tốc, đạt 6.6% trong sáu tháng đầu năm nhờ có sự hồi phục trên thị trường bất động sản và đầu tư công vào lĩnh vực hạ tầng.
Khu vực tài chính cũng đã cho thấy các tín hiệu tích cực. Tăng trưởng tín dụng được dự báo sẽ vượt chỉ tiêu chính thức đề ra trong năm 2015. Giá lương thực, kim loại và giá dầu ở mức thấp kiềm chế mức độ tăng giá, tạo điều kiện cho NHTW duy trì một chính sách tiền tệ nới lỏng. Liên quan đến vấn đề phá giá tiền đồng, ADB cho rằng, điều này sẽ góp phần làm tăng lạm phát trong năm 2016, nhưng mức tăng giá chung vẫn sẽ thấp.
Mặc dù đạt được các thành tựu này, song Việt Nam cũng đang phải đối mặt với một số thách thức kinh tế vĩ mô đang gia tăng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm ở Trung Quốc – một trong những đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của Việt Nam - có thể kéo theo triển vọng thương mại ảm đạm hơn, trong khi giá cả hàng hóa thế giới tiếp tục ở mức thấp sẽ làm giảm kim ngạch xuất khẩu đối với những ngành mũi nhọn như dầu lửa và nông nghiệp. ADB cũng cho biết, các doanh nghiệp trong nước vẫn đang chật vật cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, phần lớn tăng trưởng xuất khẩu là từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Tổng kết lại, ADB nhận định, nền kinh tế Việt nam đang tăng trưởng nhanh hơn mong đợi, mặc dù còn nhiều thách thức phía trước. Quan trọng nhất là cần đẩy mạnh cải cách cơ cấu hơn nữa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước cạnh tranh trên toàn cầu.
Đăng Tùng
No comments:
Post a Comment