Truyền hình nhà nước Triều Tiên thông báo nước này vừa thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch và vụ thử "diễn ra hoàn hảo".
Bản tin trên truyền hình nhà nước cho hay, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã ký quyết định thử bom nhiệt hạch vào ngày 3/1. Vụ thử nghiệm "diễn ra hoàn hảo".
"Vụ thử bom nhiệt hạch công khai đầu tiên đã diễn ra thành công vào lúc 10h ngày 6/1, dựa theo quyết định chiến lược của đảng Lao động", bản tin trên truyền hình Triều Tiên nêu rõ.
"Dù vụ thử nghiệm được tiến hành bằng trí thông minh của người Triều Tiên, công nghệ và nỗ lực của Triều Tiên hoàn toàn chứng minh rằng, các thông số kỹ thuật của bom H mới được phát triển nhằm mục đích thử nghiệm là chính xác và việc kiểm tra sức mạnh của bom H nhỏ hơn theo cách khoa học.
Ảnh minh họa
"Vụ thử nghiệm diễn ra một cách an toàn và hoàn hảo, đồng thời không tác động xấu tới môi trường sinh thái. Vụ thử là giai đoạn phát triển cao hơn của lực lượng hạt nhân của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (DPRK). Bằng việc thử nghiệm thành công bom H theo cách hoàn hảo nhất được ghi nhận trong lịch sử, Triều Tiên tự hào gia nhập hàng ngũ các nước tiên tiến sở hữu bom H và người dân Triều Tiên đã chứng minh tinh thần của dân tộc", tuyên bố chính thức của Triều Tiên viết.
Nước này cũng tuyên bố lý do để thử nghiệm bom nhiệt hạch là "quyền lợi hợp pháp" nhằm bảo vệ nước này trước Mỹ. Bình Nhưỡng cũng tuyên bố nếu Mỹ không đe dọa chủ quyền của Triều Tiên, họ "không cần dùng tới các vũ khí hạt nhân".
"Mỹ đã tập trung các lực lượng chống lại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và vu khống về quyền con người nhằm cản trở sự phát triển của Triều Tiên. Bom H là biện pháp phòng vệ trước số lượng lớn vũ khí hạt nhân của Mỹ. DPRK sẽ tự bảo vệ chính mình", bản tin nhấn mạnh.
Theo phóng viên AP, rất đông người dân Bình Nhưỡng tụ tập bên ngoài một màn hình lớn gần ga xa lửa để ăn mừng. Họ quay video và chụp lại hình ảnh truyền hình nhà nước công bố vụ thử hạt nhân. Một số người vỗ tay, nhiều người khác cười và reo hò.
Theo Guardian, hiện giới quan sát khó xác nhận tuyên bố của phía Triều Tiên và các nước khác đang gấp rút xác minh liệu có phải Bình Nhưỡng đã thử thành công thiết bị hạt nhân hydro được thu nhỏ hay không.
Thứ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc nói rằng hiện tại không có cơ sở để tin rằng thiết bị hạt nhân mà Triều Tiên vừa thử là bom nhiệt hạch và có thể Bình Nhưỡng đang phóng đại sự việc. Tình báo và các chuyên gia Hàn Quốc cũng như quốc tế cho rằng Triều Tiên chỉ thử bom A chứ không phải bom H.
Sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, giới chức thị trấn Yanji ở biên giới Trung - Triều ra lệnh sơ tán người dân khỏi các tòa nhà khi dư chấn từ vụ nổ xuất hiện khắp khu vực biên giới giáp Triều Tiên.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh không nhận được thông tin về vụ thử thiết bị bom nhiệt hạch thu nhỏ của Triều Tiên đồng thời khẳng định nước này kiên quyết phản đối hành động của Bình Nhưỡng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, Trung Quốc sẽ đồng hành với cộng đồng quốc tế về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Trên trang web của Bộ Ngoại giao, Trung Quốc thúc giục Triều Tiên tôn trọng cam kết giải trừ vũ khí hạt nhân và kêu gọi Bình Nhưỡng ngừng mọi động thái có thể khiến tình hình trên bán đảo Triều Tiên xấu đi.
Bộ Ngoại giao Nga lên án việc Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm bom H đồng thời nói động thái này vi phạm luật pháp quốc tế nếu nó được xác nhận.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố nước này sẽ có phản ứng rõ ràng trước động thái mới nhất từ Triều Tiên. Ông gọi vụ thử nghiệm là "mối đe dọa đối với an ninh Nhật Bản" đồng thời khẳng định Tokyo không thể khoan thứ cho sự việc.
Nhà Trắng cho hay sẽ phản ứng thích đáng tới mọi hành động kích động từ Triều Tiên, tiếp tục bảo vệ cho đồng minh của Mỹ trong khu vực.
Người đứng đầu Tổ chức Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện nhận định việc Triều Tiên thử hạt nhân đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình và an ninh thế giới.
Tại cuộc họp khẩn của Hội đồng An ninh Hàn Quốc, Tổng thống Park Geun Hye gọi việc Triều Tiên thử bom nhiệt hạch là "hành động khiêu khích nghiêm trọng".
"Vụ thử không chỉ kích động an ninh quốc gia mà còn đe dọa tương lai của Hàn Quốc, đồng thời là thách thức lớn với sự hòa bình và ổn định quốc tế", Guardian dẫn lời bà Park nói. Bà cũng kêu gọi quốc tế thực hiện các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ đối với Bình Nhưỡng.
Trong tuyên bố trước đó, Seoul cho hay, họ sẽ “áp dụng mọi biện pháp cần thiết, gồm các lệnh trừng phạt bổ sung từ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để Bình Nhưỡng phải trả giá vì vụ thử nghiệm”.
Tổng thống Pháp Francois Holland tuyên bố, việc Triều Tiên thử vũ khí nhiệt hạch "vi phạm nghiêm trọng nghị quyết của Hội đồng Bảo an" và "không thể chấp nhận được". Pháp cũng kêu gọi các nước phản ứng mạnh mẽ trước động thái từ Bình Nhưỡng.
Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cho biết cả Anh phản đối vụ thử hạt nhân của Triều Tiên và ủng hộ việc nối lại đàm phán 6 bên về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tổng thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg, cũng kêu gọi Triều Tiên ngừng chương trình hạt nhân, tên lửa đạn đạo một cách toàn diện, minh bạch đồng thời tham dự các cuộc đối thoại về giải trừ vũ khí hạt nhân một cách chân thành và đáng tin cậy.
Punggye-ri – nơi Triều Tiên thử hạt nhân. Đồ họa: Guardian
Cơ quan giám sát các vụ thử nghiệm hạt nhân xác nhận, họ phát hiện "một sự kiện bất thường trên bán đảo Triều Tiên". Lassina Zerbo, Giám đốc điều hành Tổ chức cấm thử hạt nhân toàn cầu, nói: "Hệ thống giám sát quốc tế của chúng tôi phát hiện một vụ thử hạt nhân bất thường ở vĩ độ 41,27 và kinh độ 129,10".
Theo ông Zerbo, vị trí trên bản đồ cho thấy tâm vụ thử nằm tại bãi thử nghiệm ở Pyunggye-ri thuộc vùng núi phía đông bắc Triều Tiên.
Các nhà ngoại giao tại Liên Hợp Quốc cho biết, 15 nước trong Hội đồng Bảo an dự kiến sẽ họp kín vào 16h GMT (23h giờ Hà Nội) để thảo luận về vụ thử của Triều Tiên.
Bom nhiệt hạch - hay còn gọi là bom kinh khí, bom hydro hay bom H - là loại vũ khí hạt nhân tạo ra năng lượng khổng lồ từ quá trình tổng hợp hạt nhân (còn gọi là nhiệt hạch). Khi loại vũ khí này được kích hoạt, bức xạ nhiệt từ vụ nổ hạt nhân phân rã được dùng để nung nóng và nén mạnh phần đầu mang tritium, deuterium, hoặc liti, dẫn tới phản ứng nhiệt hạch, giải thoát năng lượng khổng lồ.
Động đất vì thử hạt nhân
Trước đó, các cơ quan khảo sát địa chất ghi nhận một trận động đất mạnh 5,1 độ Richter ở gần khu vực Punggye-ri - nơi Triều Tiên thử hạt nhân năm 2013. Tâm chấn nằm ở độ sâu 10 km và cơn địa chấn xảy ra lúc 10h ngày 6/1 (8h30 giờ Hà Nội) cách khu vực Punggye-ri - nơi Triều Tiên thử hạt nhân năm 2013 - khoảng 49 km.
Trong cuộc họp khẩn, các quan chức Hàn Quốc nhận định nhiều khả năng động đất ở Triều Tiên do thử nghiệm hạt nhân. Chánh văn phòng nội các Nhật Bản, ông Yoshihide Suga, cũng cho rằng cơn địa chấn tại Triều Tiên có thể là một vụ thử hạt nhân. Theo ông Suga, chính phủ Nhật Bản đang họp và phân tích thông tin về vụ việc.
Cơ quan tình báo Hàn Quốc cho biết Bình Nhưỡng đã không thông báo về việc thử hạt nhân cho phía Trung Quốc hoặc Mỹ.
Hồi tháng 12, lãnh đạo Kim Jong Un tuyên bố Bình Nhưỡng sở hữu một bom nhiệt hạch, dù bị các nước khác gồm Hàn Quốc chỉ trích. Ông Kim nói Triều Tiên đã có thể phóng bom nhiệt hạch – một bước tiến từ việc thử bom nguyên tử, đồng thời dẫn các thành tựu mà nước này đạt được từ thời hai cố lãnh đạo Kim Jong Il và Kim Nhật Thành.
Cùng thời điểm, các nhà nghiên cứu tại Viện Mỹ - Hàn thuộc Đại học Johns Hopkin, cũng cho biết những hình ảnh vệ tinh cho thấy khả năng Triều Tiên sẽ thực hiện thêm các vụ thử nghiệm trong những năm tới.
Trong khi đó, Reuters dẫn thông tin từ truyền thông Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên dường như đã tiến hành thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm hồi tháng 12/2015.
Một quan chức quân sự Hàn Quốc nói rằng Triều Tiên tiếp tục nâng cao khả năng của tên lửa phóng từ tàu ngầm. Tuy nhiên, các chuyên gia nói Bình Nhưỡng cần thời gian để có thể triển khai thành công loại vũ khí như vậy.
Tham vọng hạt nhân của Triều Tiên
Chương trình phát triển vũ khí hủy diệt của Bình Nhưỡng bắt đầu năm 1956. Dù là một bên của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân nhưng Bình Nhưỡng rút lui năm 2003 với lý do bị chính sách thù địch của Mỹ đe dọa. Ba năm sau, vụ thử hạt nhân đầu tiên diễn ra.
Ngày 25/5/2009, Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần 2, động thái khiến cả thế giới lo ngại. Vụ nổ gây ra một cơn địa chấn mạnh 4,7 độ Richter. Người ta cho rằng Bình Nhưỡng kích nổ vũ khí ở khu vực gần Kiju, nơi được coi là địa điểm thử hạt nhân Pungye-ri của Triều Tiên. Vụ thử lần thứ 2 khiến Triều Tiên hứng chịu thêm các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Ngày 12/2/2013, Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 3 và cũng là vụ thử lớn nhất. Các cơ quan chuyên trách của Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ phát hiện trận động đất mạnh từ 4,9 đến 5,1 độ Richter tại nơi Triều Tiên thử hạt nhân, bãi Pungye-ri. Theo phía Hàn Quốc, sức công phá của vụ nổ tương đương 6.000 tới 7.000 tấn thuốc nổ TNT.
Bên cạnh các vụ thử hạt nhân, Triều Tiên cũng đang nỗ lực thu nhỏ vũ khí thành đầu đạn để lắp lên tên lửa đạn đạo. Việc Triều Tiên phóng thành công tên lửa đưa vệ tinh vào quỹ đạo cho thấy Triều Tiên đang dần sở hữu công nghệ chế tạo tên lửa liên lục địa, có thể tấn công tới các mục tiêu nằm xa khu vực.
Theo: zing.vn
No comments:
Post a Comment