Tác phẩm: Không bao giờ là thất bại, tất cả là thử thách (Tiếp)
Tác giả: Chung Ju Yung
Phần VI: Công trình lớn của thế kỷ XX
=> Xem các phần trước tại đây (*)
(*) Vì bài viết dài nên tôi phải tách thành hai phần thì mới có thể tải lên được!
Phần VI: Công trình lớn nhất của thế kỷ XX
TT - Mùa thu năm 1975, vương quốc Saudi Arabia sau khi trình kế hoạch xây dựng cảng công nghiệp Dubai đầy tham vọng, bắt đầu xem xét bản thiết kế xây dựng do Công ty Dịch vụ Anh thực hiện.
Chiếc vé cuối cùng
Đây là công trình lớn nhất trong lịch sử ngành xây dựng thế giới ở thế kỷ 20, là công trình mà mấy trăm năm may ra mới có một. Nó tập trung biết bao ý nguyện phát triển đất nước của hoàng gia Saudi. Ước mơ của họ là xây dựng một cảng công nghiệp lớn trên bãi cát của khu vực Dubai, bằng những đồng tiền tích lũy từ việc bán dầu lửa để hiện đại hóa đất nước, làm ngạc nhiên cả thế giới. Công trình cảng chất hàng Dubai có tính chất hết sức đặc biệt, đòi hỏi gấp rút từ xây dựng cơ bản trên cạn đến dưới nước, lại phải hoàn thiện cả kiến trúc, điện, thiết bị... Không chỉ thế, việc xây dựng cảng biển phải đạt yêu cầu sao cho bốn chiếc tàu chở dầu loại 500.000 tấn có thể cập cùng một lúc, vận chuyển, lắp đặt và lót đá từ độ sâu 30m của nước biển... Có thể nói đây là một trong những công trình khó nhất của thế giới. Cho đến thời ấy, thị trường xây dựng Trung Đông là khu vực độc quyền của các nước tiên tiến. Thời điểm đó công ty chúng tôi đã có kinh nghiệm về kỹ thuật thi công trên biển, đồng thời đây cũng là khởi điểm mà Hyundai chúng tôi vươn lên, chính vì vậy nó mang một ý nghĩa lịch sử cực kỳ to lớn. Khi chúng tôi nhận được thông báo là còn khoảng bảy tháng nữa sẽ đến lúc đấu thầu, chỉ có vài công ty xây dựng của Mỹ, Anh, Tây Đức, Hà Lan chuẩn bị tiếp nhận đấu thầu công trình. Tháng mười hai năm đó, đơn vị chủ quản công trình là Sở Thông tin Saudi nhờ Công ty Waliam Halkuro tuyển chọn 10 công ty tham gia công trình trong lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật. Công tác tuyển chọn là hoàn toàn bí mật. Những công ty được mời tham gia đấu thầu là các công ty nổi tiếng thế giới như Brown and Lute, SantaFe, Lemond International của Mỹ, Kostein, Tamac của Anh, Boskalis và Philip Hosman của Tây Đức, Bolka Stevan của Hà Lan, Spevetanol của Pháp, tất cả chín công ty. Vậy là còn một chỗ trống. Không có công ty xây dựng nào của Nhật Bản được tham gia. Với tôi, ở cái bãi cát mênh mông Saudi này có một công trình lớn như vậy cũng đủ làm cho người tôi sôi lên. Việc chỉ còn lại một vị trí cũng làm cho tôi thấy tim mình hồi hộp. Làm thế nào để có thể bước vào một chỗ duy nhất còn lại trong số 10 công ty mời thầu ấy. “Mục tiêu của chúng ta là chiến thắng trong trận đấu thầu lớn này”. Tôi đã nói như vậy trong cuộc họp chiến lược. Tôi chỉ thị cho giám đốc chi nhánh tại London là Um Yong Ki phải giành được chiếc vé cuối cùng này.
“Chúng tôi bắt đầu đặt chân sang Trung Đông vào tháng mười vừa qua. Công trình đầu tiên của chúng tôi là xưởng đóng tàu sửa chữa Alis Baranh. Trên mảnh đất xa lạ này, chúng tôi đã chuẩn bị chỉ trong vòng một tháng. Điều đó có nghĩa là sức cơ động của chúng tôi không hề yếu kém. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang thiết kế căn cứ hải quân trên vịnh Dubai. Và nhà máy đóng tàu lớn nhất của chúng tôi nhờ vào sự hỗ trợ của nước Anh các ông mà trong thời gian ngắn nhất đã hoàn công để trở thành Nhà máy đóng tàu Ulsan lớn nhất thế giới”.
Lời thuyết phục của ông Um thật ấn tượng. Kết quả là sự nỗ lực hết sức của chúng tôi đã gây được sự thích thú cho Waliam Halkuro. Những tài liệu của Ngân hàng Barclays và Epdor ngày xưa là chứng cứ tiềm năng của Hyundai. Và Waliam Halkuro đề nghị Sở Thông tin Saudi cấp cho chúng tôi tư cách đấu thầu. Sở Thông tin chấp nhận lời đề nghị này. Vậy là chúng tôi đã có trong tay vé đấu thầu vào giây phút cuối cùng. Nhưng cái giá của chiếc vé đó là 20 triệu USD. Đây là số tiền cần để đặt cọc đấu thầu.
Cảng công nghiệp Dubai và vở kịch đấu thầu
Trong suốt một tuần trước ngày mở thầu, đoàn dự toán thăm dò của chúng tôi không bước chân ra ngoài mà ở lì trong nhà nghỉ ở Riyadh, dồn hết tâm trí vào công việc chuẩn bị. Bát đĩa ăn cơm mà chúng tôi đặt bên ngoài mang vào cứ vậy chất đống trong nhà. Việc tắm rửa, cắt tóc đều bị ngăn cấm nên mùi hôi cứ bốc lên nồng nặc trong cái nóng, không thể chịu nổi. Tài liệu dự tính trải đầy trong nhà, từ lãnh đạo đến mọi người trong đoàn ai nấy ngồi bệt lên cả giấy tờ. Cảm giác của chúng tôi lúc này là công trình mà trúng thầu thì ra bãi đất quay tròn cũng được. Tôi kiểm tra tỉ mỉ bản kế hoạch dày khoảng 100 trang và các tài liệu liên quan. Tôi đã giảm bớt 25% giá trị thực tế thi công công trình là 1,2 tỉ USD, lại hạ xuống 5% nữa và quyết định sẽ tham gia đấu thầu với giá 870 triệu USD. Chắc chắn không có công ty nào ứng thầu với giá dưới 1 tỉ USD. Phó giám đốc Chon Kap Won nói giá thầu ấy rẻ quá, tuy nhiên tôi nhấn mạnh không được để công ty nào qua mặt về giá cả thấp hơn. Tôi nghĩ với giá ấy, mặc dù có nhiều thiệt hại nhưng nhiều lao động Hàn Quốc sẽ ra nước ngoài làm việc và tiền họ kiếm được chính là đất nước Hàn Quốc kiếm được. Ngoài ra, việc bán được những nguyên liệu của Hàn Quốc cũng là lợi ích của đất nước, và công ty chúng tôi để lấy danh tiếng trên thế giới bằng công trình này mà nếu quá tập trung vào giá cả cũng không nên. Đương nhiên, lợi nhuận là mục tiêu, tuy nhiên có thứ còn quan trọng hơn lợi nhuận. Đó là cơ hội kinh doanh.
Ngày 16-12. Chúng tôi đứng đợi từ 9g sáng. Bắt đầu từ 9g30, giám đốc của 10 công ty tham gia đấu thầu lần này sẽ vào phòng họp của hội trường Sở Thông tin. Đúng 10g, người phụ trách đấu thầu của Sở Thông tin và nhân viên của các công ty dịch vụ kỹ thuật từ phòng họp bước ra. Người phụ trách đấu thầu thông báo trong vòng năm phút các công ty phải trình hồ sơ đấu thầu, mỗi đội sẽ có một nhân viên vào phòng đấu thầu. Công ty chúng tôi cử Chon Kap Won vào phòng tham gia đấu thầu. Năm phút sau, anh ta từ phòng đấu thầu đi ra nhưng vẻ mặt không mấy mãn nguyện. Kết quả đấu thầu sẽ được công bố vào 1g chiều.
- Sao vậy, anh viết nhầm số tiền tham gia đấu thầu ư? - tôi hỏi anh ta.
- Dạ thưa không phải - thái độ của anh ta là lạ.
- Anh viết theo đúng như tôi dặn chứ?
- Dạ tôi không viết như vậy.
Thật không thể chấp nhận được. Việc không tuân thủ chỉ thị của tôi trong quá trình làm việc là điều không thể có. Tuy nhiên ly nước đã đổ, có nổi nóng cũng chẳng làm được gì. Phó giám đốc Chon Kap Won nghĩ đi nghĩ lại mãi vẫn cho rằng giá đấu thầu 870 triệu USD là quá rẻ. Với quyết tâm là nếu thất bại sẽ nhảy xuống vịnh mà chết, anh ta đã tăng giá thầu thêm hơn 60 triệu USD, lên thành 931.140.000 USD.
Tôi hiểu lòng trung thành của anh ta nên không ghét cái sự bướng bỉnh của anh, nhưng với tôi vì quá mong muốn giành được công trình này nên tôi cảm thấy hết sức thất vọng.
Một giờ chiều, Chong Mun Do vào phòng họp chờ kết quả đấu thầu. Nhưng đã qua 3g chiều mà vẫn không thấy tin tức gì, không những Chong Mun Do mà người của công ty khác cũng chẳng thấy đi ra.
Cửa ra vào phòng họp bị cấm không cho đi lại, những người bên ngoài không thể biết được tại sao việc công bố kết quả đấu thầu lại bị trì hoãn. Tôi hết sức bồn chồn, nhưng người còn lo lắng và hồi hộp gấp trăm ngàn lần tôi chính là Chon Kap Won. Anh ta chịu đựng không nổi nên khi thấy nhân viên đưa cà phê vào phòng, Chon lẻn vào theo, nhưng sau đó bị đẩy ra ngoài, khuôn mặt anh ta trắng bệch. Trong lúc đi theo người mang cà phê vào phòng, anh ta loáng thoáng nghe thấy kết quả trúng thầu là Công ty Brown and Lute của Mỹ với giá 944.400.000 USD.
Tôi chẳng biết nói gì, nỗi thất vọng tràn trề vây kín lấy tôi. Chon biến đi đâu mất, còn Kim Kwang Myong có lẽ cảm thấy đứng bên tôi khó chịu nên nói là đi tìm Chon. Sau này tôi mới biết lúc đó hai người tìm ra gốc cây ở góc sân, nói với nhau rằng: “Đúng là chủ tịch công ty chúng ta là quỉ thần”, rồi khóc.
Tuy nhiên, khi cửa phòng họp mở thì Chong Mun Do đi ra với vẻ mặt rất tươi. Cậu ta đưa ngón tay làm hình chữ V.
- Thế nào? - tôi hỏi.
- Được rồi ạ.
- Được là thế nào?
Giá thầu 944.400.000 USD của công ty Mỹ ấy là giá được giới hạn của phần công trình bến đậu tàu chở dầu biển. Nó được coi như không có giá trị.
“Hyundai đấu thầu vào công trình cảng công nghiệp Dubai gồm bốn phần của chúng tôi với giá 931.140.000 USD. Tất cả mọi tài liệu đều xuất sắc. Đặc biệt chúng tôi cảm động vì việc rút ngắn tám tháng cho thời gian công trình còn 44 tháng mà không có bất cứ một điều kiện gì”. Đó là lời phát biểu của phía Saudi trong quá trình công khai kết quả bỏ thầu...
Trở về khách sạn, tôi lấy ngay số tiền thưởng đã chuẩn bị sẵn từ tối hôm qua chia cho các cộng sự để động viên tinh thần.
Quyết không để Hyundai “chìm xuống biển Saudi chỉ vì tính liều lĩnh” như mối nghi ngại của dư luận, ông chủ tập đoàn, bất chấp mọi trở ngại, đã tìm mọi cách để biến tất cả các kế hoạch thành hành động ngay khi vừa giành được hợp đồng thế kỷ trị giá 930 triệu USD. Với món tiền từ Trung Đông ấy, ông Chung Ju Yung nhớ lại, ngành xây dựng Hàn Quốc đã đưa ra cây gậy để cứu đất nước khỏi nguy cơ phá sản vì nợ nước ngoài.
Nhưng còn một giấc mơ… Giấc mơ của cha về những cánh đồng mênh mông như biển, con trai của người nông dân chẳng bao giờ lãng quên. Và ông phải thực hiện mơ ước ấy, theo tầm vóc của thời đại mình...
Dự án ngăn đập chắn sóng với phương pháp tận dụng tàu chở dầu, còn gọi là phương pháp Chung Ju Yung
TT - Không biết có phải do tôi sinh trưởng ở nông thôn, từng trực tiếp làm ruộng hay không mà mỗi lần nhìn những cánh đồng lúa hoặc cây lương thực đang lớn trên ruộng, hoặc nhìn những ống khói đang tỏa ra trên những ngôi làng nông thôn chiều tối, tôi vui hơn nhìn bất cứ cảnh đẹp nào. Chỉ cần nhìn những bờ ruộng chất đầy lúa thu đông là lòng tôi cảm thấy náo nức và chẳng có gì an ủi tôi hơn là điều ấy.
Giấc mơ của người cha
Mặc dù ý nghĩ khai hoang của tôi nảy sinh bất ngờ vào một ngày nọ, nhưng đó không phải là sự quan tâm nhất thời. Đó là mơ ước tôi ấp ủ trong lòng bấy lâu nay - thay cha tôi thực hiện mơ ước của ông. Và đó cũng là sự nuối tiếc rằng cha mẹ đã qua đời mà tôi chưa kịp thực hiện mong ước ấy.
Cha tôi mong muốn sẽ có đất đai rộng như biển và ước vọng ấy đã ngấm vào tận trong máu tôi. Với cha tôi, để có một mảnh ruộng, ngày ngày từ sáng sớm tới tối mịt, bất kể cái nắng gắt gao, lưng cong gập và dùng bàn tay làm lưỡi cuốc, lựa những hòn đá nằm lâu ngày mà cuốc. Tôi hiểu thế nào là nỗi mong ước có đất đai và nỗ lực đáng nể của người nông dân nghèo.
Với Hàn Quốc thì không cần phải nói gì thêm về sự cần thiết của việc khai thác và mở rộng thêm diện tích đất nước. Mảnh đất Hàn Quốc giống như hình con thỏ nằm trong bụng mẹ lại bị cắt ở ngang lưng thời ấy chẳng thua kém gì các nước khác về dân số và đang thiếu lương thực rất nhiều.
Ở vùng biển phía tây nam, chúng ta có thể ngăn biển để có được thêm mảnh đất rất màu mỡ. Lợi dụng điều kiện thiên nhiên ưu đãi ấy mở rộng đất đai dù chỉ một gang đất, để lại cho thế hệ mai sau là công việc của chúng tôi hôm nay.
“Con trai người nông dân” hành động
Việc khắc phục khó khăn hoặc phát triển kinh tế của một gia đình, một doanh nghiệp hay một quốc gia không thể chỉ trông đợi vào một nhà lãnh đạo hoặc một nhà doanh nghiệp nào đó. Nó đòi hỏi sự kết hợp của sức sáng tạo có tính khôn ngoan của doanh nghiệp và dũng khí của nhà lãnh đạo trong việc tiến tới mục tiêu chung. Thế là giấc mơ biến bờ biển lồi lõm phía tây nam thành một đường thẳng của tôi đã bắt đầu. Công việc ở giai đoạn đầu cần chú ý nhất chính là ngăn nước ở vịnh Chonshu, vịnh lớn nhất Hàn Quốc.
Mùa hè năm 1978, Tổng cục Phát triển thổ địa được thành lập, Viện Nghiên cứu phát triển lãnh thổ ra đời... Trong bối cảnh đó, vấn đề đất đai được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Chính phủ giao ngành công nghiệp khai thác cho doanh nghiệp tư nhân có khả năng nhằm tận dụng nguồn nhân lực nhàn rỗi, vì tuy thực tế ngành khai hoang do chính phủ trực tiếp làm vẫn còn nhưng dậm chân tại chỗ. Tuy nhiên sau khi chính quyền thay đổi, tháng 4-1982, công trình nối hai bờ ngăn sóng khu vực B bắt đầu và hơn một năm sau, tháng 7-1983, khu vực A cũng bắt đầu. Đây là công trình dân sự lớn nhất từ trước tới nay. Ngoài việc phải bỏ ra hàng trăm tỉ won, công trình còn gặp trở ngại về vấn đề kỹ thuật trong việc khắc phục khó khăn ngay từ đầu vì điều kiện không dễ dàng chút nào. Ở khu vực này, không những triều lên xuống khác nhau quá nhiều mà đặc biệt khi nước rút, nước cuốn mạnh đến nỗi gãy cả cầu chân vịt, việc xây dựng đê chắn nước gần như không thể thực hiện được.
Ngày ấy không những Bộ Nông thủy sản, vốn là cơ quan tiếp nhận đơn và đã phê chuẩn cho công trình, mà cả những người giữ vai trò quan trọng trong công ty chúng tôi cũng cảm thấy không tin tưởng về công trình này. Lý do bởi chi phí cơ bản dự tính cho công trình đủ để có thể mua một mảnh đất khác khai hoang và năm sau có thể gieo giống, thu hoạch mà vẫn còn thừa một khoản tiền.
Một công trình hoàn toàn không có lời. Nếu theo đuổi lợi nhuận thì công trình này chẳng đáng làm. Thế nhưng tôi đã bắt tay vào làm. Vấn đề khó khăn nhất của công trình xây đê này là làm thế nào hạn chế tối thiểu khả năng bị cuốn trôi khi triều lên xuống. Điều đó sẽ giúp giảm bớt kinh phí và rút ngắn thời gian thi công.
Khi xây dựng công trình đê chắn triều khu vực B, để khắc phục tốc độ/ vận tốc thủy triều, chúng tôi đã phải đục lỗ những tảng đá 4-5 tấn, lấy dây sắt cột hai hoặc ba tảng với nhau rồi dùng phà vận chuyển và ném xuống. Chúng tôi dùng 140 chiếc xe vận tải loại 15 tấn cho việc vận chuyển đá cần cho công trình, đó là đá được khai thác từ núi Soksan, cách công trình chừng 30km.
Công trình xây dựng đê chắn triều khu vực A cũng phải dùng đá của núi Soksan, xã Chang, huyện Sosan và phải dùng đến cả đất đá của năm hòn đảo lân cận. Lúc đó có một phóng viên nào đó hỏi tôi: “Xây dựng Nhà máy đóng tàu Ulsan và công trình hiện nay thì cái nào ông thích hơn?”. Tôi đã trả lời rằng việc khai hoang đất hạnh phúc hơn. “Khi xây dựng nhà máy đóng tàu, tôi đã luôn căng thẳng trước các áp lực nhưng những việc ấy đã qua, còn bây giờ chẳng có mạo hiểm và rủi ro nào, vừa hát vừa làm cũng được”. Nói vậy chứ chẳng dễ như hát. Ngày 25-2-1984, phần cuối cùng của khu vực B thật không dễ dàng chút nào. Toàn bộ công trình đê dài hơn 6.400m có đoạn cuối cùng dài 279m là điểm khó nhất. Đứng xa nhìn cũng thấy người như bị đẩy xuống vì tốc độ nước lên đến mức 8m/giây.
Tảng đá to bằng chiếc xe hơi vừa được ném vào ngay tức khắc bị cuốn đi chẳng để lại dấu vết gì. Các loại xe tải 15-30 tấn liên tục chở những tảng đá lớn được nối bằng dây sắt với nhau rồi thả xuống nhưng chẳng khác gì đút bánh qui cho voi ăn.
Có đầy đủ trang thiết bị hiện đại cũng không giúp ích được gì. Tuy nhiên, dường như mỗi lần gặp việc khó khăn tưởng như có một bức tường chắn trước mặt thì một ý kiến mới lại hiện trong đầu tôi. Đó chính là sáng kiến tận dụng chiếc tàu tôi đã mua của Thụy Điển với giá 3 tỉ won đang đỗ ở Ulsan, đang định tháo dỡ bán sắt vụn. Chúng tôi kéo nó đến và dùng nó để chặn thủy triều, con đê còn lại hai bên sẽ dùng đá tảng đổ xuống thì sẽ thành công. Tôi lập tức chỉ thị cho các kỹ thuật viên Công ty cơ khí Hyundai, Hyundai thương thuyền và Hyundai công nghiệp nặng tìm phương pháp làm cho chiếc tàu chở dầu cũ bằng sắt nặng 230.000 tấn, dài 300m, rộng 45m và cao 27m có thể chìm đều xuống khoảng trống nơi sẽ chặn dòng triều cuối cùng.
Ngày 25-2-1984, trước sự chứng kiến của báo chí và sự quan tâm cùng tò mò của bao người về khả năng thành công của phương pháp này, chiếc tàu được dùng để chắn sóng khúc cuối đã bắt đầu chìm và ngày hôm sau thành công hoàn toàn. Công trình này đã được đăng lên các báo Newsweek và Times, sau đó thì chính công ty thiết kế chuyên về kiến trúc sắt thép tầm cỡ thế giới đang đảm nhận công trình chắn triều hạ lưu sông Thames của nước Anh cũng đến hỏi chúng tôi về phương pháp này.
Bằng phương pháp ấy tôi đã tiết kiệm được 29 tỉ won và nhờ công trình lịch sử này mà tôi đã thay đổi được bản đồ đất nước, Hàn Quốc có thêm hơn 100 triệu m2 đất. Nếu bao gồm cả diện tích của hồ chứa nước thì tất cả gần 160 triệu m2, diện tích khai phá gấp 33 lần đảo Youi-do.
Nó còn lớn hơn cả đồng bằng sản xuất lúa gạo lớn nhất Hàn Quốc là đồng bằng Kimche tỉnh Chonbuk, lớn gấp ba lần khu vực Kiehwa đang trồng trọt sau khi đã kết thúc công việc khai hoang. Nếu đem mảnh đất ấy chia cho dân số Hàn Quốc lúc bấy giờ thì bình quân mỗi người dân được khoảng 3,3m2. Tôi ôm ấp giấc mơ biến mảnh đất này thành nơi sản xuất lương thực nhiều hơn cả California - nơi sản xuất lương thực nhiều nhất của Mỹ. Tôi còn mơ sau khi từ giã công việc kinh doanh, tôi sẽ lái máy cày trên cánh đồng này và sống cuộc đời còn lại của mình tại đây. Chính vì vậy tôi quan tâm và dồn tâm huyết vào nó chẳng kém gì việc khác.
Năm 1988, khu vực khai hoang Sosan lột xác thành mảnh đất nông nghiệp cơ khí hóa với qui mô lớn. Ngoài hiệu quả trực tiếp là mở rộng lãnh thổ và tăng thêm nguồn lương thực còn là sự gia tăng công ăn việc làm. Mỗi năm có đến 6,6 triệu người tham gia các công việc liên quan đến mảnh đất này.
Những khát vọng vẫn không ngừng đeo đuổi con người giàu có bậc nhất này. Trở ngại nào cũng không cản được giấc mơ của ông, giấc mơ đã thấm vào máu thịt càng trở nên thôi thúc khi ông trở lại Bắc Hàn - quê hương mà ông xa cách đã 40 năm.
Và ông già tuổi ngoài 70 lại bắt đầu mơ đến những ngày mai....
TT - Sau chuyến thăm Liên Xô (cũ) đầu tiên từ ngày 6 đến 12-1-1989, vào ngày 23-1, mười ngày sau khi tôi trở về, tôi nhận được lời mời của ông Hur Dam, người có vị trí thứ tư trong Đảng Lao động, và lên đường sang thăm Bắc Hàn.
Quê hương, 40 năm mới lại đặt chân...
Trong thời gian ở Bắc Hàn, tôi đã thuyết phục họ bằng tấm lòng chân thật và thiện ý. Đại diện của phía Bắc Hàn là Chon Kum Chol, người đã nhiều lần ngồi vào bàn hội đàm với chủ tịch Quốc hội She Mun Sik phía Hàn Quốc, còn Choi Shu Kil là người phụ trách kinh tế thông thương, kinh tế công nghiệp. Ông còn giữ vai trò chính trong việc đòi Nhật bồi thường chiến tranh. Đó là một con người có đầu óc cực kỳ sáng suốt.
Trong thời gian ấy, Chon Kum Chol phụ trách phần quan hệ chính trị, còn Choi Shu Kil đảm nhiệm phần quan hệ kinh tế. Tôi đã ký kết với họ tất cả năm hiệp định.
Thứ nhất là vấn đề khai thác núi Kim Cương, họ nói chẳng có vấn đề gì để lo lắng. Tôi tỏ thái độ mềm mỏng để tránh chạm vào tự ái của họ. “Các anh cũng có nhiều việc để làm, vậy nếu đầu tư tất cả vào núi Kim Cương mà khách du lịch không đến thì làm thế nào?”. Tôi bắt đầu như vậy vì xác định nếu muốn thu hút khách nước ngoài thì phải gom được tiền của thế giới để xây dựng.
Theo kinh nghiệm của tôi, nếu tôi muốn xây dựng một nhà máy sản xuất với mục đích bán hàng vào thị trường Mỹ thì cho dù tôi có đủ tiền để xây dựng đi nữa, tôi cũng vẫn cố kiếm vốn đầu tư của Mỹ, có như vậy họ mới quảng cáo tại đất nước mình và quan tâm tới chúng tôi. Chúng tôi thảo luận suốt mấy ngày liền, cuối cùng mọi việc cũng suôn sẻ.
Trong mười ngày ở Bình Nhưỡng, ngày nào cũng họp liên tục từ 9g-12g. Ngày hôm trước nêu vấn đề rồi ngày hôm sau giải thích. Buổi chiều chúng tôi đi tham quan theo chương trình đã được định sẵn. Họ cho tôi xem cơ sở vật chất công nghiệp, tuy nhiên trong suy nghĩ của tôi, ngoài ximăng ra, họ chẳng có một mặt hàng nào có tính cạnh tranh. Tôi khích lệ rằng họ đã nỗ lực nhiều.
Có lẽ không cần phải nói nhiều về sinh hoạt của người dân Bắc Hàn, về cuộc sống còn nhiều khó khăn của họ. Đó là phép lịch sự của người được mời làm khách, và dù ghét hay yêu thì chúng tôi cũng là một dân tộc, chung một dòng máu.
Nếu có điều muốn nói thì là khi tôi tới sân bay, tất cả thân thích của tôi đều ra sân bay đón. Tất cả phụ nữ mặc trang phục giống nhau, hỏi ra mới biết chính phủ đã chuẩn bị cho họ như vậy. Về tới quê hương, tất cả thân thích của tôi đứng vào một góc và đồng thanh nói: “Nhờ vào tướng quân vĩ đại nên chúng tôi có cơm ăn đủ no và sống hạnh phúc”. Chưa bao giờ tôi cảm nhận được nỗi đau bị chia cắt 40 năm đến như vậy.
Đoàn của chúng tôi chỉ có bốn người, trong khi số người đi theo chúng tôi đông gấp 40 lần, tôi chẳng nói gì được với bà con, chẳng nói được tôi làm gì ở phương Nam. Có lẽ họ hàng tôi chỉ nghĩ rằng tôi là một người buôn bán và có đủ cơm ăn no bụng. Họ còn hỏi tôi rằng tháng tư sang năm có đến thăm họ nữa không!
Trong đầu mình, tôi thầm nghĩ Bắc Hàn sẽ là vấn đề tôi tiếp tục quan tâm, chờ đợi thời cơ và nhận định theo ý kiến của tôi.
Khai thác Siberia vì ngày mai
Có hai lý do chính khiến tôi quan tâm nhiều đến nước Nga.
Thứ nhất, họ có nguồn tài nguyên vô tận từ gỗ, dầu lửa, than đá trong lòng đất cho đến cá trên biển Siberia. Hiện nay tất cả các loại nguyên liệu của chúng ta đều phải mua tận bên kia Thái Bình Dương từ các nước Mỹ, Canada, Úc hoặc châu Phi và phải chi một khoản tiền chuyên chở khổng lồ.
Nếu muốn nền móng sự phát triển liên tục của kinh tế Hàn Quốc trở nên kiên cố thì trước tiên phải đảm bảo chắc chắn nguồn nguyên liệu. Những nước tiên tiến cũng vậy, hoặc họ đang sở hữu nguồn tài nguyên của nước mình, hoặc bảo đảm nguồn cung cấp tài nguyên qua sức mạnh kinh tế. Còn đất nước nào không đảm bảo được nguồn tài nguyên nguyên liệu cho ngành công nghiệp thì sức mạnh kinh tế của đất nước giảm sút và gặp khó khăn là điều khó tránh khỏi.
Trước đây ngành ván ép của Hàn Quốc đã có thời chiếm lĩnh thị trường thế giới. Tuy nhiên, do nguồn nguyên liệu gỗ không được đảm bảo nên cùng với sự phá sản của “đại gia” Dongmyong, ngành ván ép hoàn toàn mất sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế và Hàn Quốc đang từ một nước xuất khẩu ván ép hàng đầu thế giới trở thành nước nhập khẩu ván ép.
Gần một năm trời, tôi sang Nga nhiều lần để nỗ lực củng cố mối quan hệ giữa hai nước, xây dựng niềm tin với nhân dân Nga về hình ảnh doanh nghiệp Hàn Quốc. Và nhờ vào sự tin tưởng đó mà chúng tôi sớm thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ hai nước Hàn - Nga. Đó là lý do thứ hai tôi quan tâm đến Nga, ảnh hưởng của Nga sẽ là con đường tắt giúp chúng tôi thống nhất đất nước.
Xét về thương mại, đương nhiên quan hệ với Trung Quốc tốt hơn. Tuy nhiên, ngoài tôi ra, nhiều doanh nghiệp khác cũng đang hợp tác với Trung Quốc nên tôi nghĩ việc làm của tôi là toàn tâm toàn ý với Nga, góp phần mở đường trong việc thống nhất hai miền Nam Bắc, cũng là để đảm bảo chắc chắn nguồn nguyên liệu, xây dựng nền móng cho hàng vạn thế hệ sau. Một khi đất nước thống nhất, Hàn Quốc sẽ có số dân 60-70 triệu người rắn chắc và trí tuệ.
Hiện nay so với Nhật Bản thì kinh nghiệm, vốn và kỹ thuật của chúng tôi thua kém hơn, nhưng người Nhật làm được thì chúng tôi cũng có thể làm được. Trước đây, khi Hàn Quốc xây dựng ngành công nghiệp đóng tàu hoặc tiến vào Trung Đông, người Nhật đã cười mỉa mai.
Họ nói rằng chẳng có kỹ thuật, chẳng có vốn, chẳng có kinh nghiệm gì như chúng tôi mà lại dám nhận. Rồi 20 năm sau, khi chúng tôi khai thác vùng Siberia, có lẽ cũng có người Nhật cười rằng làm sao chúng tôi có thể đến cái nơi thời tiết khắc nghiệt với nhiệt độ âm tới 50-70OC. Nhưng tôi nghĩ chẳng có việc gì mà chúng tôi không làm được.
Chúng tôi phải nỗ lực hơn quá khứ, đổi mới nhiều hơn,
nâng cao năng suất và chất lượng hàng hóa, biến thị trường mà Nhật Bản đang chiếm giữ thành thị trường của Hàn Quốc và cạnh tranh với Mỹ. Một khi hai miền Nam - Bắc thống nhất thì những tài nguyên khai thác từ vùng Siberia phía bắc sông Tuman sẽ giúp ích rất lớn cho kinh tế Hàn Quốc.
Bởi vì khi quan hệ Hàn - Nga tốt hơn so với quan hệ của Nga với các quốc gia khác thì Hàn Quốc sẽ trở thành nước đảm nhận vai trò trung tâm của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Với ý nghĩa quan trọng như vậy nên việc khai thác Siberia chẳng có gì phải chần chừ.
Không có thất bại, tất cả đều là thử thách. Ông chủ Tập đoàn Hyundai đã chứng minh điều đó bằng cả cuộc đời mình, bằng chính những nỗ lực không ngừng nghỉ. Bài học của ông thật đơn giản: người nỗ lực hết sức vì việc nhỏ cũng sẽ nỗ lực hết sức vì việc lớn. Cũng nhờ vậy, từ hai bàn tay trắng ông dựng nên cơ nghiệp... Từ những thành đạt của mình, ông nói gì với những người đi sau?
Chuyến đi của chủ tịch Chung Ju Yung tới CHDCND Triều Tiên năm 1998 đã khiến báo giới Hàn Quốc gọi ông là “người mơ tưởng vĩ đại”, bởi những giấc mơ của ông được thực hiện với cái giá khá đắt.
Hyundai đồng ý trả 1 tỉ USD cho Bình Nhưỡng trong một hạn định để mua quyền khai thác núi Kim Cương mà Chung dự định mở thành một khu du lịch. Sau đó, Hyundai phải chi những khoản không nhỏ cho “các siêu dự án bảy điểm” (khách sạn, đuờng sắt, thông tin, điện toán, khu công nghiệp...).
Nhưng Chung không chùn tay, vì ông biết những khoản tiền khổng lồ này có thể giúp ông bắc chiếc cầu qua sự chia cắt. Và dự án núi Kim Cương đã là bước đột phá cho cuộc gặp cấp cao liên Triều hai năm sau đó, vào tháng 6- 2000 giữa Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong Il và Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung.
Sau khi Chung qua đời năm 2001, một trong những người tiếp nối con đường thống nhất của cha là Chung Mong Hun - Chủ tịch Hyundai Asan (chuyên phục vụ các hợp đồng làm ăn liên Triều), người con thứ năm trong sáu con trai của ông.
Tuy nhiên, cuộc đời của Chung Mong Hun lại kết thúc bi thảm. Ông nhảy từ lầu 12 tự tử ngày 4-8-2003, sau khi các nhà kiểm toán Hàn Quốc chứng minh 186 triệu USD mà Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc cho Công ty Hyundai Merchan Marinbe (chuyên điều hành các tàu du lịch từ nam tới núi Kim Cương ở CHDCND Triều Tiên) vay, đã được chuyển cho CHDCND Triều Tiên qua một tài khoản giả và “có liên hệ với cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều”.
Đây là kết quả cuộc điều tra nhằm làm sáng tỏ cáo buộc của phe đối lập Hàn Quốc là “Hyundai đã hối lộ để mua cuộc gặp cấp cao lịch sử 2000”.
TT - Khi tôi chuyển từ căn phòng thuê trên tận đỉnh núi phường Huynzo đến cửa hàng gạo ở phường Sindong, tôi đưa từng đứa em một lên Seoul, vợ tôi vừa bán gạo vừa bán đậu phụ, kiếm chi phí cho gia đình.
Nguồn vốn của mỗi người
Lúc biến động ngày 25-6 xảy ra sau đó, tôi đưa cha mẹ mình xuống ở chung tại phường Sinsol, rồi chuyển xuống phường Tonam. Khi ấy, xưởng sửa chữa ôtô của tôi có tới 60 công nhân, qui mô tương đối lớn, nhưng không vì thế mà tôi tự mãn. Cơm sáng của tôi không có gì hơn ngoài kim chi và một bát canh. Hằng ngày mẹ và vợ tôi đội cơm và thức ăn lên đầu đưa ra cho số nhân viên đông đảo ấy.
Ngay từ bé, hồi còn học tiểu học, mỗi khi đi học về là mẹ đưa tôi ra đồng, tìm cho một khu đất trồng vừng và bắt cày. Trồng vừng xung quanh ruộng kê sẽ ngăn được bò đến phá ruộng vì chúng sợ mùi lá vừng.
Vào mùa đông khi nhàn rỗi, cha tôi từ sáng sớm đã mang sọt đi nhặt phân bò và phân chó về làm phân bón, mẹ tôi thì đặt thùng nước tiểu sẵn trong nhà để gom nước tiểu của bọn trẻ. Tụi trẻ chúng tôi ở tuổi ấy nghịch ngợm cố tình không tiểu vào chiếc thùng mà đi tiểu ở chỗ khác, mẹ tôi phải rang đậu đỏ chia cho ăn chúng tôi mới chịu nghe lời.
Tôi nhớ có lần được xem cảnh sinh hoạt của một thanh niên nông thôn trên tivi. Lời nói của anh thanh niên ấy thật đáng học hỏi: “Trong số bạn của tôi cũng có người ra thành phố, mỗi tháng kiếm cả trăm ngàn won. Tuy nhiên số tiền đó phải dùng vào việc này việc kia nên tiết kiệm cũng chỉ được 10%. Còn thu nhập của tôi tuy không bằng một nửa của bạn ấy nhưng mỗi tháng tôi tiết kiệm được một nửa số tiền tôi kiếm được. Chính vì vậy nếu tôi làm việc nhiệt tình như bây giờ, tôi tin là trong tương lai không xa tôi sẽ giàu có hơn bạn ấy”.
Tôi đồng ý với người thanh niên đó. Làm việc nhiệt tình và tiết kiệm triệt để thì sẽ sống giàu có hơn người lãng phí. Nhiều người nói với tôi là họ có kế hoạch kinh doanh mang tính khả thi nên xin tôi cho vay vốn.
Mỗi lần như vậy tôi đều nói với họ: “Không phải anh không có vốn mà vì anh không có uy tín. Tôi không nói người ta xấu mà chỉ vì những người anh xin vay tiền không cảm thấy đủ tin tưởng anh nên chuyện vay tiền mới khó như vậy. Nếu anh tạo cho người ta đủ niềm tin rằng anh sẽ thành công thì tôi tin rằng tiền bao nhiêu cũng có”.
Đúng như vậy. Uy tín chính là vốn. Nếu con người đó tạo đủ niềm tin với mọi người rằng anh ta cần cù, trung thực, chính trực thì đó sẽ là nguồn vốn, anh ta có thể phát triển, mở rộng cuộc đời mình bao nhiêu cũng được.
Tôi là người đã trực tiếp trải qua điều ấy và biết rằng người làm kinh doanh buôn bán có tiền thì tốt, nếu không có tiền thì với uy tín thôi cũng làm được. Về điều này thì doanh nghiệp hay cá nhân đều như nhau.
Cá nhân có thể bắt đầu làm một doanh nghiệp nhỏ với uy tín mình có, rồi từ cái uy tín đó mà có thể phát triển doanh nghiệp nhỏ thành doanh nghiệp lớn hơn, từ doanh nghiệp vừa thành doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp lớn phát triển và trưởng thành thành doanh nghiệp có qui mô toàn cầu.
Khi tôi rời quê hương trong tay không có lấy một đồng xu, thế mà bây giờ đã trở thành một doanh nghiệp lớn như thế này. Nếu chỉ gom tiền để trở thành một doanh nghiệp như thế này thì tuyệt đối không thể làm được. Với sự thành thật và chân chính, tôi được ông chủ cửa hàng gạo tin tưởng, và được ông giao lại cửa hàng.
Tôi bắt đầu kinh doanh với nguồn vốn duy nhất là người đáng tin cậy, đáng tin về sản phẩm, đáng tin về quan hệ tiền bạc, đáng tin về hợp đồng cung cấp, về thời hạn, về chất lượng công trình, kết hợp tất cả uy tín ở những lĩnh vực khác gom lại và trở thành Hyundai ngày hôm nay.
Chỉ một mình ngành xây dựng Hyundai thôi, chúng tôi đã giao dịch với 20 ngân hàng lớn trong thị trường tiền tệ thế giới. Chúng tôi không cần nhờ chính phủ viết bảo lãnh, chỉ cần một tờ hứa chi trả của Công ty xây dựng Hyundai và không cần thế chấp, chúng tôi cũng có thể mượn được 2 - 3 tỉ USD.
Tích lũy bằng sự cần cù và tiết kiệm
Ngày mai phụ thuộc vào cuộc sống ngày hôm nay.
Chúng ta tin rằng người nào nhiệt tình làm những việc nhỏ thì những việc lớn họ cũng như vậy. Những người ngay cả chuyện nhỏ không thất hứa, gắng thực hiện thì việc lớn cũng đáng tin cậy. Người nỗ lực hết sức vì việc nhỏ cũng sẽ nỗ lực hết sức vì việc lớn.
Đó chính là uy tín. Điều này đúng với tất cả cá nhân, doanh nghiệp và nhà nước. Mầm mống của nó mọc từ từ và lớn lên trong cuộc sống của chúng ta như một cây xanh. Đồng thời, uy tín cũng chính là danh dự.
Từ năm 18 tuổi, tôi rời nông thôn đến nơi đất khách, làm từ lao động nặng đến công nhân khuân vác đá và tiết kiệm tối đa. Để tiết kiệm 10 đồng tiền củi, dù lạnh thế nào tôi cũng chỉ đốt lửa vào buổi tối, nấu cơm cho cả sáng và trưa hôm sau, rồi hơ những tấm đá sưởi nền vào lửa để lấy hơi nóng mà nằm.
Tôi cũng không hút thuốc. Bụng chưa no thì chẳng có lý do gì biến tiền thành khói. Tôi không muốn lãng phí đồng tiền - đã phải bán sức mình mới có được - vào những việc như vậy.
Ngay cả thời làm công nhân vận chuyển gạo cho cửa hàng Phục Hưng có công việc ổn định, để tiết kiệm 5 đồng tiền tàu điện, hằng sáng tôi vẫn cố gắng dậy sớm để đi bộ đi làm. Giày mòn, tôi chưa muốn vứt đi nên lấy đinh đóng thêm một cái vào đế, quần áo từ mùa xuân đến mùa thu cũng chỉ một bộ, mùa đông đến thì mặc thêm áo lót bên trong.
Báo thì ra đến nơi làm việc đọc báo của người ta. Nếu nhận được một tháng lương trị giá một bao gạo, nhất định tôi phải tiết kiệm một nửa, tiền thưởng nhận vào mỗi dịp lễ tết tôi bỏ hết vào ống tiết kiệm.
Tôi thắt lưng buộc bụng, chắt chiu từng đồng lương ít ỏi, rồi chuyển từ ở phòng thuê trả phí từng tháng sang phòng thuê trọn gói, đưa một số tiền nhất định cho chủ nhà, rồi từ phòng thuê trọn gói sang nhà tranh của riêng tôi... Chẳng những vậy, sự thật thà và đáng tin cậy trong tôi đã dần dần có chỗ đứng trong mọi mối liên hệ xung quanh mà ngay bản thân tôi cũng không nghĩ tới.
Tôi đã tiết kiệm tối đa để mua nhà cửa, vì vậy mỗi lần gặp anh chị em công nhân làm việc tại công xưởng, tôi luôn khuyên nhủ họ phải cần cù, tiết kiệm, dè sẻn. “Nhà phải đi thuê mà lại mua tivi, chỉ cần một chiếc radio thôi cũng đủ biết được tất cả mọi tin tức rồi. Hãy chịu đựng cho đến khi mua được nhà. Cà phê, thuốc lá cũng vậy. Công ty đã phát cho quần áo làm việc, khăn mặt và thậm chí cả quần áo lót nên không cần mua quần áo nữa, comlê cũng chỉ mua một bộ dành khi đến thăm nhà cha mẹ vợ thôi”.
Sự uy tín có được do cần cù và trung thực sẽ giúp chúng ta gặp được người hỗ trợ chẳng khó khăn gì. Tôi không tin vào những người sống mà tiền kiếm được bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu, dùng trên cả mức kiếm được và luôn luôn mang nợ.
Con chim cũng cần cù mới tìm được miếng ăn ngon.
Cùng một số mệnh, cùng một thời gian sống, có người thì làm được 10 lần, 20 lần người khác, có người thì không làm được dù chỉ là một phần mấy mươi, một phần mấy trăm. Còn người lười nhác, để thời gian trôi đi một cách vô ích thì chẳng thể nào hạnh phúc được.
Một ngày làm việc cần cù thì một đêm có thể ngủ ngon giấc; một tháng cần cù thì sẽ thấy cuộc sống của mình đi lên; một năm, hai năm, ba năm, cả cuộc đời cần cù thì sẽ thấy sự phát triển to lớn. Cuộc sống của người cần cù sẽ ý nghĩa hơn biết bao nhiêu, họ có thể làm việc gấp bao lần người khác.
Nhìn lại con đường mình đã đi, Chung Ju Yung - ông chủ Tập đoàn Hyundai - nhận ra mình đã bước qua rất nhiều rào cản của một lối suy nghĩ, một cách hành xử… Ông gọi đó là những cạm bẫy. Nhưng cạm bẫy trong mắt một người như ông không thông thường như mọi người quen thấy…
Xe Pony - nhãn hiệu ôtô đầu tiên có tỉ lệ nội địa hóa 100% vào năm 1976 - mười năm sau ngày Hãng xe Hyundai được thành lập (1966)
TT - Người nghèo muốn trở nên giàu phải chiến thắng trong điều kiện bất lợi nhiều hơn so với người đã giàu muốn giàu có hơn.
Nếu không nỗ lực gấp 10 lần, 20 lần so với người giàu để khắc phục hoàn cảnh bất lợi thì không thể giàu được.
Nỗ lực để đuổi kịp các nước giàu có mà chẳng có tài nguyên gì chính là hoàn cảnh bất lợi của đất nước chúng tôi.
Tài nguyên con người
Là một nhà doanh nghiệp nên tôi có nhiều điều kiện tiếp xúc với nhiều nhà doanh nghiệp nước ngoài hoặc với những chuyên gia về chính sách kinh tế.
Những lúc đó họ hỏi tôi rất nhiều, làm sao Hàn Quốc không có tài nguyên, chẳng có vốn mà lại phát triển được từ một nền kinh tế nghèo nàn như vậy.
Tôi trả lời họ một cách đơn giản và rõ ràng rằng bí quyết của việc phát triển kinh tế thành công chính là nhờ sự cần cù và ưu tú có một không hai của nhân dân Hàn Quốc, đó là yếu tố con người.
Tại các căn cứ đánh cá viễn dương của Hàn Quốc ở Las Palmas, từ bảy, tám năm trước đã có 6.000 - 7.000 kiều dân của chúng ta sống tại đây, tất cả mọi người đều đi lại bằng ôtô riêng của mình, rồi tạo nhiều điều kiện thuận tiện cho những người Hàn Quốc khác đến đây, vì thế tôi cũng được đi nhờ xe của họ.
Tất cả kiều dân của chúng ta nơi này làm ăn vẫn có lãi trong khi những đoàn đánh cá châu Âu không tránh được lỗ. Sự ưu tú và cần cù của người Hàn Quốc được công nhận.
Cách đây không lâu tôi có dịp đi Canada và gặp chủ tịch Phòng Công nghiệp & thương mại nước này, ông ta nói: “Ở Canada, chúng tôi trợ cấp cho người thất nghiệp, vậy mà trong số kiều dần Hàn Quốc ở đây, chẳng có người nào phải cần đến trợ cấp cả”.
Thời ấy mức trợ cấp thất nghiệp là 400 USD, lương của người Hàn Quốc một tháng không như vậy nhưng họ vẫn làm kiếm tiền sống chứ không sống bằng trợ cấp thất nghiệp.
Ông ta cảm động và khâm phục người Hàn Quốc và nói nếu Canada tiếp nhận di dân thì họ chỉ nhận người Hàn Quốc mà thôi.
Chúng ta chỉ dựa vào tài nguyên con người ưu tú mà có ngày hôm nay. Tài nguyên tự nhiên của đất nước thì có hạn, nhưng sức sáng tạo và nỗ lực của con người là vô hạn.
Phát triển kinh tế dựa vào tài nguyên thì khi tài nguyên cạn kiệt, phát triển cũng dừng lại. Còn nếu phát triển giành được qua nỗ lực của bản thân và công việc thì sẽ vững vàng mãi mãi mà không bị suy tàn.
Việc lấy dầu trong lòng đất rồi bán để thu hàng núi tiền, gửi vào ngân hàng và sống bằng lãi ngân hàng không phải là giàu có đúng nghĩa, cũng chẳng phải là sự phát triển đúng nghĩa. Vì vậy, phát triển kinh tế Hàn Quốc chính là điều có ý nghĩa sâu sắc và có giá trị.
Theo đuổi số tiền lớn và nhiều lợi ích thì ngành xây dựng là chủ đạo, tuy nhiên với Hyundai và đất nước, tôi nghĩ ngành ôtô sẽ phải trở thành một trong những ngành chủ chốt.
Chiếc xe hơi là biểu hiện về trình độ khoa học kỹ thuật của đất nước chế tạo ra nó. Nó cũng chính là hình ảnh của đất nước đó. Nhờ vào ấn tượng xuất khẩu xe hơi nên những hàng hóa khác của Hàn Quốc cũng sẽ được đánh giá cao ở các quốc gia nhập khẩu xe chúng tôi”.
Trong sạch - động lực của sự phát triển
Có đất nước phát triển, có đất nước thụt lùi, có đất nước diệt vong. Vậy điều gì đã làm cho nước này phát triển còn nước khác diệt vong? Tôi nghĩ vấn đề cốt lõi là tinh thần và thái độ của chính phủ nước ấy, của doanh nghiệp và người dân nước ấy.
Nếu chính phủ không trong sạch thì tiêu cực sẽ lan sang doanh nghiệp và nhân dân trên tất cả lĩnh vực và sự bất chính trở thành một phong trào. Một xã hội như vậy thì không thể kích thích doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả và cũng không phát huy được năng lực của nhân dân.
Hàn Quốc cũng vậy, mỗi lần thay đổi chính quyền đều kèm theo nhiều lời kêu gọi xây dựng một xã hội trong sạch, nhưng rất tiếc tất cả chỉ là những lời kêu gọi trống rỗng.
Chúng ta hãy nhìn Nhật Bản, một cường quốc kinh tế của thế giới, đất nước này phát triển phồn vinh và hùng mạnh vì ít tiêu cực.
Mấy năm trước, tôi có nghe tổng giám đốc Shin Kiok Ho của Tập đoàn Lotte ở nước này kể một câu chuyện như sau:
Ông Shin có một người bạn thân làm giám đốc sở thuế. Một hôm ông Shin đến nhà ông giám đốc sở thuế để chơi cờ.
Thấy bà vợ ông giám đốc đang rắc xà phòng lên quần áo để trên tấm gỗ và giặt bằng tay nên về nhà mua và gửi tặng vợ chồng ông giám đốc một chiếc máy giặt mà chẳng có suy nghĩ gì.
Hôm sau ông giám đốc sở thuế kêu ông Shin đến và nói: “Tôi cứ tưởng anh chơi với tôi cả chục năm trời nên hiểu tôi, nào ngờ anh làm thế này khiến tôi thật bực mình. Anh là người giàu có, hài lòng vì có nhiều tài sản và công nhân làm việc cho mình nên anh mãn nguyện, còn tôi cũng mãn nguyện theo cách của tôi. Tôi tuy sống trong căn phòng không đến 70m2 và vợ tôi vẫn giặt quần áo bằng tay nhưng chúng tôi là người được tất cả quốc dân kính trọng. Vì sao ư? Vì tôi tự hào lương tâm tôi đã không làm việc gì xấu cả, tôi tự hào là người trong sạch nhất trong những viên chức của Nhật Bản và hài lòng với mức lương nhỏ bé từ xử lý công việc đất nước một cách công minh. Tôi muốn sống một cách đường hoàng, không có gì xấu hổ theo mục tiêu của tôi, vì vậy mong ông hãy mang món quà này đi cho”.
Đây cũng là chuyện đáng để chúng ta học hỏi và cũng là chuyện chúng ta ao ước.
Hiện nay ở châu Á, đất nước đang phát triển mạnh mẽ là Singapore. Với dân số không quá 2,5 triệu, những năm 1980 Singapore đã xuất khẩu được 225 tỉ USD, nhiều hơn 3,5 tỉ so với dân số 37 triệu của Hàn Quốc.
Vậy động lực của họ là gì? Singapore là một đất nước rất nhỏ bé, tài nguyên thì ngay cả nước uống cũng không có, cái duy nhất mà người dân nước này có chỉ là không khí. Thế mà người dân Singapore lại có thể sống một cách giàu có. Chính là vì chính phủ, doanh nghiệp và nhân dân nước này trong sạch.
Một chính phủ trong sạch, nhân dân không biết đến tiêu cực, đó chính là căn bản của động lực phát triển kinh tế Singapore.
Hyundai của chúng ta cũng đã từng vào Singapore xây dựng công trình. Những người phụ trách công trình tại đó đều nói rằng không có đất nước nào trên thế giới sạch sẽ như ở đây. Thật là may mắn khi làm việc tại đó.
Ở đất nước đó, từ cán bộ quản lý cao cấp làm giám sát công trình cho đến tất cả nhân viên quản lý cấp dưới đều không bao giờ làm khó dễ để kiếm chác, cũng chẳng có chuyện nghiêng về bên nào.
Do không ai quấy rầy, không ai chìa tay đòi tiền nên tất cả mọi người chỉ tập trung vào làm việc, chỉ suy nghĩ làm thế nào để theo đúng kế hoạch và làm việc có năng suất mà thôi.
Chính vì vậy tất cả công trình tiến hành tại Singapore dù là xây dựng cơ bản, kiến trúc đều có thể làm với giá rẻ nhất thế giới. Như vậy thì đất nước không thể không phát triển. So sánh với Hàn Quốc, điều kiện khí hậu, văn hóa, giáo dục của Singapore không bằng chúng ta. Cái mà họ hơn chúng ta là chế độ chính trị và xã hội trong sạch, từ đó phát huy hết năng lực của mình.
Hàng hóa không gặp những tổn thất không đáng có, sức cạnh tranh được nâng cao, ngân sách nhà nước không bị lãng phí, người dân cảm thấy tự hào.
Mỗi lần có cơ hội, tôi đều nói với nhân viên của mình hãy sống với tấm lòng trong sạch. Tất nhiên, tôi cũng mong mình là “doanh nghiệp lớn nhất” nhưng thật tình tôi muốn được đánh giá là “doanh nghiệp trong sạch” trước.
Đất nước, xã hội và cả cá nhân phải trong sạch thì xã hội mới phát triển được. Nếu tất cả đều trong sạch thì ai cũng mong muốn một ước vọng duy nhất là có ích cho đất nước và có thể chuyển cái khát vọng mãnh liệt đó thành hiện thực, sau đó là một sự phát triển chói lọi nối tiếp.
Cả cuộc đời tôi chưa bao giờ nghe một đất nước, một xã hội, doanh nghiệp nào đó không trong sạch mà phát triển được.
“Tôi muốn bảo vệ các con của mình” - ông Chung Ju Yung nói vậy. Nhưng với một người giàu có như ông, đã tự mình tay trắng làm nên cơ nghiệp của chính mình, thì cách bảo vệ nào được ông chọn lựa?
Đó là cả một nỗi khổ tâm không dễ giãi bày. Con trai của người nông dân nghèo giờ đang phải đối diện với những đứa con trai của một doanh nghiệp lớn…
TT - Tất cả chúng ta ai cũng ít nhiều mang lối suy nghĩ cũ trong mình. Dù là người quản lý chuyên nghiệp, một kỹ thuật viên hay bất kỳ người nào thì hoặc thiếu năng lực nắm bắt mọi thứ, hoặc chỉ quan tâm vào lĩnh vực của mình nên bị trói buộc vào quan niệm cố định.
Rào cản “sách giáo khoa”
Lối suy nghĩ cũ làm cho con người trong những tình huống bình thường thì có năng lực, nhưng khi gặp khó khăn hoặc lâm vào hoàn cảnh nguy kịch thì trở thành bất tài. Tôi đã thấy vô số trường hợp như vậy.
Nếu trở thành nô lệ của lối suy nghĩ cũ sẽ không có tính thích ứng. Suy nghĩ theo sách giáo khoa cũng là một cạm bẫy. Con người tài giỏi phải vượt qua được cạm bẫy một cách trí tuệ.
Có một câu chuyện như thế này khi tôi còn xây dựng bến đỗ của xưởng đóng tàu. Lúc ấy vì chưa hoàn thành bến đỗ nên chúng tôi chưa thể lắp đặt máy cẩu di chuyển tự động. Cho nên việc vận chuyển tất cả vật dụng loại lớn như máy 30.000 mã lực, linh kiện, phụ kiện không có cách nào khác là phải dựa vào sức sáng tạo của con người.
Các kỹ thuật viên kết luận rằng việc vận chuyển các linh kiện lắp ráp xuống đáy sâu khoảng 12m phải chờ đến khi có một chiếc cẩu khổng lồ mới thực hiện được, tôi nói đó là kết luận của sách giáo khoa.
Đưa cẩu đến nơi phải mất ba tháng, như vậy công trình không thể hoàn thành đúng kế hoạch và thất hứa với chủ thuyền. “Vậy thì xếp các tảng bêtông đúc sẵn lên xe bánh trượt, rồi dùng độ nghiêng của dốc kéo ngược lại, cho xe chạy xuống từ từ thì về mặt lý luận có thể được hay không?”. Tôi hỏi thế và nhân viên kỹ thuật trả lời là có thể. Và chúng tôi đã vận chuyển được tất cả các tảng bêtông đến đáy của bến đỗ một cách đơn giản vậy mà không cần có cần cẩu khổng lồ.
Khi chúng ta cần tính gấp cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của mình thì phương thức theo sách giáo khoa chẳng giúp ích được gì. Đối với cả những nước tiên tiến, việc xây dựng một nhà máy qui mô như Nhà máy đóng tàu Ulsan thì mất ít nhất ba năm là chuyện bình thường. Sau khi xây dựng xưởng đóng tàu một thời gian dài như vậy rồi mới bắt tay đóng tàu cũng là chuyện thường thấy.
Nhưng tôi bỏ qua những thông lệ và cách suy nghĩ ấy. Không những tôi không nghĩ sẽ dừng ở lối suy nghĩ cũ mà tôi cũng chẳng có đủ thời gian để làm việc ấy. Tôi cho tiến hành đồng thời việc xây dựng nhà máy đóng tàu và việc đóng tàu. Nếu tôi không quyết định như vậy thì chắc chắn Hyundai đã ôm thất bại thảm hại.
Rồi việc xây dựng Nhà máy sản xuất ôtô Hyundai ở Ishon. Nhìn vào bản thiết kế thì dây điện đi qua một ngôi làng nhỏ, nhân viên làm việc tại hiện trường chắc muốn tránh khó khăn về vấn đề bồi thường đất nên đã cho đi đường vòng. Tôi vặn hỏi tại sao lại đi đường vòng cho tốn nhiều dây hơn. Tất nhiên câu trả lời của họ là do trở ngại so với dự kiến ban đầu.
Tôi lập tức chỉ thị thay đổi bản thiết kế và lắp đặt đường dây chạy thẳng, dù biết chi phí cho việc bồi thường đất có khi còn đắt gấp hai lần so với chi phí đặt dây đi đường vòng. Nếu tất cả mọi việc đều được xử lý theo lối suy nghĩ dễ dàng thì khi gặp khó khăn sẽ trở nên lười nhác, điều này là không được.
Lối suy nghĩ thích làm việc dễ dàng cũng chẳng khác gì lối suy nghĩ cũ.
Đừng ngược đãi bản thân!
Tôi luôn nghĩ mình hạnh phúc vì sinh ra ở Hàn Quốc. Nơi đây có bốn mùa rõ rệt, mỗi mùa có cái hay riêng. Mỗi lúc chuyển mùa tôi lại có cảm giác thoải mái và hoan hỉ không thể tả.
Chúng ta phải sống thật tốt trong cuộc đời mình. Ngay từ thuở nhỏ, dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chưa bao giờ tôi nghĩ mình bất hạnh. Tôi luôn hạnh phúc với hiện tại và sống một cách hài lòng.
Lúc 10 tuổi, tôi theo cha ra những cánh đồng nóng bỏng, cả ngày còng lưng dưới cái nắng chói chang học làm ruộng. Khi mệt mỏi thì tôi ngủ một giấc ngon lành dưới bóng râm, tận hưởng cơn gió mát mẻ như vào chốn cực lạc và thật hạnh phúc.
Rồi khi gánh những thùng gỗ ra chợ, bụng đói lả khi đi qua những quán hàng san sát mà tôi vẫn không lung lay, chỉ lấy duy nhất một đồng trong số tiền bán gỗ ấy mua hai cái kẹo bé teo và cho vào miệng, mút từng tí trên đường trở về nhà và cảm thấy sung sướng vô cùng.
Nhìn lại cuộc đời nhiều lúc cũng rất vất vả, tuy nhiên dù bận bịu nhưng nhờ tâm trạng vui vẻ nên khắc phục được mọi việc, và tôi sống như vậy cho đến hôm nay.
Trong cùng một điều kiện, cùng một việc, có người nhăn nhó, có kẻ lại cười. Người có suy nghĩ tiêu cực chỉ nghĩ rằng mình làm việc vất vả dưới ánh nắng mặt trời mà không biết cái hạnh phúc khi đứng dưới bóng râm và tận hưởng làn gió mát thổi qua. Với họ thì mùa nào cũng có khuyết điểm.
Có người sinh ra tàn tật nhưng tâm trạng và tấm lòng tươi sáng, trở thành những người có ích và đáng tôn kính. Cũng có những người sinh ra mạnh khỏe nhưng vì suy nghĩ tiêu cực mà sống không ra sao, chẳng khác gì ngược đãi bản thân mình.
Có lần tôi nghe được một câu chuyện như sau từ một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình mà tôi khá thân. Một doanh nhân làm ăn thất bại nọ yêu cầu phẫu thuật cho vành tai trở nên dày hơn, và ngay sau đó công việc tiến triển rất thuận lợi. Một chính trị gia kia luôn cho rằng vì cái mũi của mình mà mỗi lần bầu cử ông ta đều thất bại, và ông ta đã nhờ đến phẫu thuật. Quả thật ông ta đã trúng cử vào lần bầu cử sau đó.
Tôi không nghĩ việc phẫu thuật thẩm mỹ của hai người đó có thể ảnh hưởng trực tiếp tới vận số của họ mà chính là kết quả việc cách suy nghĩ của họ chuyển sang tích cực. Hai người trên đều dùng phẫu thuật nhân tạo để sửa đổi phần mà họ cho là điểm yếu của mình và từ đó họ tự tin hơn.
Ở đây, cái quan trọng không phải là việc phẫu thuật mà chính là sự chuyển đổi sang lối suy nghĩ tích cực. Nếu suy nghĩ tích cực thì việc gì cũng giải quyết được, khi ấy suy nghĩ của chúng ta sẽ hướng đến thành công, từ đó nỗ lực tìm ra con đường đi tới thành công. Còn người suy nghĩ tiêu cực thì vì cho rằng họ hoàn toàn không có khả năng làm công việc nào nên sẽ dễ dàng buông xuôi và từ bỏ ước mơ.
Tất cả mọi sự phát triển của nhân loại đều được tạo thành dưới sự chỉ đạo và dẫn đường của những con người có lối suy nghĩ tích cực.
Xưởng đóng tàu Ulsan cũng bắt đầu từ suy nghĩ “có thể được” và trở thành thực tế. Lúc đó, để vay được 80 triệu USD, tôi đã phải đi các nước trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ và rồi tới nước Anh. Đến đây, người ta từ chối vì chúng tôi chẳng có kinh nghiệm làm loại tàu lớn như vậy, kỹ thuật cũng chẳng có. Nhưng tôi không từ bỏ và nói là chúng tôi sẽ làm được. Có lẽ vì tôi quá khăng khăng một cách bướng bỉnh nên họ đã thông qua đại sứ quán để nắm bắt các thông tin về các lĩnh vực của Hàn Quốc.
Thông tin đầu tiên mà họ nhận được từ Hiệp hội Tàu thuyền Hàn Quốc là “không thể làm được”.Tất nhiên khi đó câu trả lời ấy không phải vô lý. Và nước Anh lại từ chối chúng tôi một lần nữa. Nhưng tôi nhất định phải vay cho bằng được tiền ở nước Anh.
Tôi nói với họ: “Tất cả mọi việc nếu nghĩ là làm được thì đều có thể làm được. Nếu mà Hiệp hội Tàu thuyền nước tôi hoặc công ty tàu thuyền khác cho rằng việc này có thể làm được thì họ đã đến vay tiền các ông trước tôi. Chính vì họ nghĩ việc này không có khả năng làm được nên khi có ai hỏi họ thì đương nhiên họ sẽ trả lời là không thể. Nhưng tôi nghĩ rằng nhất định sẽ làm được. Mong các ông hãy thẩm định lại hồ sơ một lần nữa cho”.
Họ đồng ý và tiến hành tái thẩm định hợp đồng và chúng tôi đã thành công. Tất cả mọi việc, nếu suy nghĩ rằng không thể thì không thực hiện được việc gì cả. Chỉ có người suy nghĩ là có thể, nỗ lực thực hiện mới làm cho sự việc trở thành có thể.
Một quốc gia cũng vậy. Mọi người nghĩ rằng họ có thể thì mới làm cho đất nước mình giàu mạnh, phồn thịnh. Khi gặp việc gì khó khăn, tôi lại nghĩ đến hình ảnh “mấy con rệp bò lên trần nhà rồi buông mình rớt lên bụng người” và như vậy xuất hiện con đường giải quyết ước muốn của mình.
Nếu mang suy nghĩ tích cực thì cho dù trời có sập cũng có lỗ chui ra và việc gì cũng có thể làm được.
Người cả nghĩ nào cũng vậy, vẫn thấy hiện ra trước mắt mình những câu hỏi tại sao. Tại sao dân mình nghèo? Tại sao đất nước mình chậm phát triển? Động lực nào sẽ mang lại sự phồn thịnh và vững mạnh cho một dân tộc? Những câu hỏi đều có lời đáp...
Ông chủ Tập đoàn Hyundai cũng đã tự hỏi và tự tìm ra câu trả lời khi nhìn vào chính mình và nhìn ra xung quanh...
Sáng sớm, Chung Ju Yung đi bộ đến nơi làm việc cùng các con trai
TT - Muốn biết một doanh nghiệp có lành mạnh hay không thì nhìn vào cuộc sống riêng tư của chủ doanh nghiệp đó. Tôi cho rằng nếu chủ doanh nghiệp sống một cách lành mạnh thì doanh nghiệp đó cũng lành mạnh, và ngược lại, chủ doanh nghiệp sống không lành mạnh thì doanh nghiệp đó cũng không thể lành mạnh được.
Tôi muốn bảo vệ các con của mình
Tôi đã thấy con của nhiều gia đình giàu có bước lạc lối, lúc đó thì sự phê phán của các giới lại bùng lên. Tôi luôn muốn bảo vệ các con của mình. Ở tuổi đang lớn, nếu trở thành đối tượng phê phán của dư luận người ta sẽ trở nên tự ti, không phát huy được tố chất và năng lực của mình, và sẽ có nguy cơ trở thành những đứa con không có chí khí. Vì thế, tôi luôn lắng nghe lời khuyên của những người xung quanh và giáo dục con cái nghiêm khắc.
Tất cả em trai và các con tôi luôn sợ tôi la mắng, nên có điều gì muốn nói, họ không bao giờ nói trực tiếp với tôi mà nói qua vợ tôi. Và vợ tôi có vai trò che chở cho các con tôi.
Không giống như tôi, từ bé đến lớn, vợ tôi chưa bao giờ mắng mỏ chín đứa con một lời nào, cũng chưa một lần to tiếng. Tôi có qui định chỉ cho tiền tiêu vặt 5.000 won khi chúng cần, tuy nhiên vợ tôi thường giấu tôi và cho chúng thêm.
Tôi luôn dặn các con mình phải cần kiệm. Xem mình là con nhà giàu có rồi xa lánh người nghèo là điều cấm đầu tiên đối với các con tôi. Cũng như các em tôi, các con tôi không bao giờ đi đến trường bằng xe nhà, khi cần chúng có thể đi taxi. Khi còn trẻ, phải đi bằng cái xe cũ kỹ thì chúng mới hiểu hết cái hạnh phúc khi đi bằng xe riêng do chính mình làm ra.
Cũng có lúc tôi thật phiền lòng. Tôi muốn dạy con theo phương pháp của tôi nhưng càng lớn chúng càng khó bảo. Con dâu tôi dùng xe nhà chở cháu đi học, và còn cho chúng đi học những trường tiểu học đặc biệt. Tôi không bằng lòng nhưng vì vợ tôi luôn can ngăn và nói rằng cha chồng không nên can thiệp vào việc dạy con cái của các con mình, nên tôi chỉ im lặng và buồn một mình.
Muốn chúng nên người thì phải nuôi dạy chúng như tất cả mọi người dân khác. Có như vậy sau này khi làm được việc tốt, chúng mới cảm nhận được niềm hạnh phúc. Tôi lo lắng rằng những đứa cháu trai của tôi ngay từ nhỏ đã được đưa đón bằng xe nhà thì không biết sau này sẽ dựng vợ gả chồng cho chúng vào nhà nào đây.
Không phải tôi không hiểu sự khó khăn của các con tôi. Chúng cũng khổ sở vì là con của người nổi tiếng, sống trong môi trường giàu có mà phải chịu sự khống chế khắt khe. Tôi biết mình cũng có lỗi với gia đình; cả cuộc đời tôi, ngoài những lúc về nhà ngủ và ít phút ăn sáng ở nhà, tôi chỉ ở công ty hoặc đi gặp gỡ vì công việc, gần như tôi không có thời gian bên gia đình. Tôi không hoàn thành nghĩa vụ của người chồng, quá nghiêm khắc với con cái, và nếu mất con thì đây chính là điều tôi đau lòng và ân hận nhất.
Tôi vẫn còn nhiều việc phải làm
"Tôi đã minh chứng được rằng không phải có tài sản lớn thì mới thành một doanh nghiệp lớn. Cho nên tôi đã trở thành tấm gương chứng tỏ rằng người không có học và nghèo nàn vẫn có thể tạo dựng được một doanh nghiệp lớn.
Những người hiện đang trong hoàn cảnh khó khăn nhưng mang ước mơ lớn về tương lai chắc hẳn ao ước được như tôi. Người khác cũng thèm muốn và ghen tị vì sự giàu có của tôi, nhưng thực tế thì tôi lại sống mà chẳng có cảm giác mình là người giàu có.
Tôi hoàn toàn không liên quan đến việc công ty có bao nhiêu tiền. Tôi nghĩ rằng đồng tiền trong túi tôi và tiền để nuôi sống gia đình tôi mới chính là tiền của tôi, đó là những đồng tiền để giải quyết nhu cầu ăn mặc của bản thân và gia đình.
Ngoài mục đích ấy ra, tiền còn lại không phải thuộc sở hữu của tôi. Khi doanh nghiệp còn nhỏ thì tài sản thuộc về cá nhân, nhưng khi doanh nghiệp lớn lên thì tài sản trở thành của chung của tất cả những người lao động, xã hội.
Với tôi, chỉ cái cửa hàng gạo ngày xưa là tài sản mà tôi có".
Tôi chưa nghĩ là mình sẽ hoàn toàn từ giã công việc của mình. Tôi không thể quên được cha tôi, mùa đông ông cũng không nghỉ, đào từng gang đất trên ruộng tuyết. Tôi tự hỏi bao giờ được trở lại thời niên thiếu, được lái máy cày trên nông trường Sesan.
Tôi vốn sinh ra không thể ngồi yên một chỗ. Có một chút thời gian là tôi dành để chơi thể thao. Hồi còn ở Namsan, tôi hay bơi trong bể bơi trong nhà, sau đó tôi chuyển sang chơi tennis.
Thường khi làm việc ở công ty, nếu không có thời gian tập thể dục thì hằng sáng
Tôi là người rất thích thể thao, tôi thường xuyên chơi tất cả các môn thể thao để rèn luyện cơ thể và ý chí. Muốn cho tinh thần khỏe mạnh thì đầu tiên cơ thể phải khỏe mạnh. Tôi nghĩ rằng nếu một con người có thân thể khỏe mạnh và một tinh thần khỏe mạnh thì có thể mọi ước muốn của mình thành hiện thực.
Lúc rỗi rãi tôi nằm đọc báo. Tôi luôn luôn nghĩ đến công việc và tìm việc để làm. Hồi 18 tuổi, khi lao động tại các công trình, khát vọng được làm bất cứ điều gì để kiếm thêm tiền cho một cuộc sống tốt đẹp hơn thật là lớn; rồi khi kinh doanh cửa hàng gạo, vấn đề lớn nhất của tôi chính là làm thế nào để có lời nhằm duy trì sinh kế của gia đình.
Nhưng khi buôn bán rồi thành nghề, thành công ty thì tôi suy nghĩ về công việc nhiều hơn tiền bạc. Làm thế nào để duy trì và nuôi dưỡng công việc kinh doanh luôn là mối quan tâm của tôi. Khi ấy tôi không nghĩ nhiều đến tiền nữa.
Rõ ràng tiền có thể trở thành sức mạnh tinh thần và là nguồn động viên con người. Nhưng nếu chỉ quan tâm đến tiền, chạy theo đồng tiền thì cuộc đời sẽ mệt mỏi và bất hạnh.
Trong kinh doanh, chỉ sai một li là đi một dặm, phán đoán sai một điểm nhỏ cũng có thể gây thiệt hại hàng chục, hàng trăm và hàng tỉ won, mà thiệt hại của doanh nghiệp chính là thiệt hại của đất nước. Do đó phải nỗ lực hết mình cho công ty, cho đất nước khi gặp khó khăn hơn là hồi hộp lo sợ vì thiệt hại.
Suốt cuộc đời mình tôi luôn tìm bạn để có thể giãi bày bất cứ việc gì. Tôi giao lưu từ nhà văn, họa sĩ, diễn viên... cho đến chủ nhân mấy cửa hàng nhậu lưu động hay cả bà chủ cái quán bé tí trong ngõ nhà tôi. Sự giao lưu rộng rãi làm cho tôi không mất đi sự hài hước, không mang định kiến với mọi người, nhìn đời bằng đôi mắt thiện cảm, thông cảm hơn.
Và từ việc hiểu hoàn cảnh của họ, tôi có thể tránh được những cạm bẫy mà con người dễ sa vào. Tất cả những điều tôi có được trong việc giao tiếp với mọi người là nguồn năng lượng sáng tạo trong công việc điều hành công ty của tôi.
Các bạn vừa đi ngang qua một cuộc đời; qua 12 câu chuyện thăng trầm, cay đắng nhưng tràn đầy nhiệt huyết và niềm tin của một con người coi mọi thất bại đều là thử thách, là thử thách ngay cả lúc đã thấy đường cùng. Tập đoàn Hyundai chính là kỳ tích của ông…
Nhưng con người ấy không tin vào kỳ tích. Ông chỉ tin vào sự nỗ lực không mệt mỏi. 76 tuổi, cuộc đời viên mãn này vẫn nói “việc tôi phải làm còn nhiều lắm”. Và tự truyện cũng là một cách ông làm việc, để trao gửi một niềm tin, một bí quyết đi đến thành công.
TT - “Một con người dám thực hiện ước mơ”. Ông Chung Ju Yung không tự nói về mình như thế, nhưng đó là điều người đọc nghĩ về cuộc đời ông, cuộc đời của một người lao động giàu có. Như ông tự nghĩ như thế về mình…
Kỳ cuối cùng của loạt bài này cũng chính là lời mở đầu tâm huyết của cả cuốn tự truyện.
Tinh thần tiến thủ và niềm tin chính là “chìa khóa để làm nên kỳ tích”. Tôi chỉ là người luôn mang niềm tin vững vàng và phấn đấu một cách bất khuất chứ không phải là một con người đặc biệt.
Tôi nghĩ rằng dù là một quốc gia hay một doanh nghiệp thì cội rễ để thành công nằm ở việc những nhân vật chủ chốt của doanh nghiệp đó, quốc gia đó có tinh thần tiến thủ mạnh mẽ ra sao và hành động như thế nào mà thôi.
Nhìn vào lịch sử 5.000 năm của Hàn Quốc trong những thời kỳ mà tinh thần tiến thủ của dân tộc Hàn dâng cao thì đất nước đã phát triển không ngừng. Chúng ta tiến vào tận đại lục, tiến ra biển để mở rộng bán đảo chật chội của mình. Còn một khi chí khí tiến thủ ấy mất đi thì chúng ta chẳng suy nghĩ gì đến những việc trọng đại ấy mà lại đi gây hấn với chính anh em một nhà, để một thời gian dài trôi đi lãng phí và chẳng có sự phát triển đáng kể nào cả.
Quá khứ dù có vĩ đại đến mấy, khoa học kỹ thuật có hiện đại đến mấy, điều kiện nền tảng cơ sở dù có tốt đến mấy, nhưng nếu ngày hôm nay chúng ta không có tinh thần tìm tòi cái mới, không có sự nỗ lực sáng tạo, tinh thần vươn lên thì vinh quang của ngày hôm nay sẽ trở thành quá khứ trong giây lát.
Đất nước Hàn Quốc đã trải qua một giấc ngủ dài, bắt đầu tỉnh dậy vào những năm 1960 và đến nay đã đạt được sự phát triển nhảy vọt, giữ một vị trí mà thế giới phải chú ý. Trong sự phát triển nhảy vọt đó, tôi tự hào vì Hyundai của chúng tôi đã đóng vai trò dẫn đầu trong nền kinh tế Hàn Quốc. Nếu ai đó hỏi động lực nào đã đưa Hyundai trở thành doanh nghiệp phát triển vượt bậc, mang tầm cỡ thế giới thì tôi có thể trả lời không chần chừ rằng: đó là vì chúng tôi là một tập thể tập hợp những người có chí vươn lên và tinh thần tìm tòi cái mới một cách hăng say.
Chúng tôi đã từng bước khai thác nhiều lĩnh vực mới trong xã hội công nghiệp Hàn Quốc mà khi đó vẫn còn như một mảnh đất hoang sơ. Hyundai đã khai phá ngành xây dựng tại Hàn Quốc, tạo ra ngành đóng tàu và cũng mở đường cho ngành sản xuất ôtô Hàn Quốc phát triển.
Tôi rất thích một đoạn văn. Đó là lời nguyện cầu của tướng MacArthur, tôi sửa lại một vài chỗ và dặn dò nhân viên mới vào công ty xem. Đoạn văn ấy như sau:
“Xin Chúa hãy ban cho con sức mạnh để có thể đứng vững và nhìn rõ bản thân mình khi con yếu đuối và mất niềm tin, cho con sức mạnh để con không lùi bước trước thất bại, sức mạnh để con khiêm tốn và ôn hòa mỗi khi chiến thắng.
Điều con mong muốn là đừng bao giờ dẫn con vào nơi an bình, hãy chỉ cho con cách chống cự với những thử thách và khó khăn.
Hãy chỉ cho con cách chiến đấu dũng cảm trong bão tố và cách thông cảm với kẻ chiến bại.
Hãy ban cho con sức mạnh để con biết cười đồng thời không mất đi tiếng khóc, để con nhìn về tương lai mà không quên đi quá khứ.
Và cuối cùng, hãy cho con biết thế nào là niềm vui trong cuộc sống, thế nào là sống nghiêm túc với bản thân mình.
Và hãy cho con ghi nhớ rằng điều vĩ đại chính là điều giản dị và sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng”.
Xét theo các nguyên lý về kinh tế, tất cả những gì sẵn có tại Hàn Quốc hầu như không tạo điều kiện để phát triển mạnh một lĩnh vực nào. Chẳng có tài nguyên, chẳng có vốn và cũng chẳng có sự tích lũy kỹ thuật nào để có thể chiến thắng trong cuộc chiến cạnh tranh. Đó chính là hiện thực của nền kinh tế Hàn Quốc.
Tuy vậy, ngành công nghiệp của chúng tôi phát triển được như ngày hôm nay chính là kết quả của sự nỗ lực, tinh thần gánh vác sứ mệnh của chúng tôi. Cùng với tính mạo hiểm và óc sáng tạo, ý chí tiến thủ đã giúp chúng tôi bù đắp những thiếu thốn của mình.
Tôi còn nhớ khi Nhà máy đóng tàu Hyundai đang ra sức khắc phục những khó khăn thì một vị phó thủ tướng phụ trách kinh tế Hàn Quốc thời đó, đồng thời là một nhà kinh tế học khả kính, đã gọi tôi tới. Ông ta khẳng định chắc chắn rằng đây là việc không có khả năng thực hiện được và nói nếu ngành đóng tàu của Hyundai thành công thì ông ấy sẽ đốt mười ngón tay và lên thiên đường. Vậy mà hôm nay Hyundai đã trở thành nhà máy đóng tàu số một thế giới, còn ông ấy vẫn sống trên trái đất này.
Ngày hôm nay nếu chỉ làm những việc mà các nước công nghiệp chưa làm, hay làm những việc mà các nước tiên tiến không đủ khả năng thực hiện, tìm những thị trường mà các nước tiên tiến không đặt chân tới do thiếu nhân lực thì ngành công nghiệp Hàn Quốc chẳng có việc gì mà làm nữa.
Các nước tiên tiến luôn mong muốn chúng tôi làm những gì mà họ chưa làm đến. Tuy nhiên nếu chúng tôi chỉ theo đuổi điều ấy thì chẳng những không có việc gì để làm mà còn không thể phát triển và tồn tại được.
Nếu chúng ta chần chừ bước vào những lĩnh vực mà chúng ta còn thua kém hay chưa biết, hoặc chúng ta lẩn tránh những công việc mệt nhọc thì chúng ta đang tự xếp mình vào nhóm những người theo chủ nghĩa thất bại.
Khi tôi nói rằng tôi sẽ tham gia lĩnh vực mạch bán dẫn, các tạp chí kinh tế trên thế giới đã nhanh chóng đón đầu và hỏi rằng chúng tôi có biết việc bước vào thị trường đòi hỏi trình độ cao này còn khó hơn cả hái sao trên trời không? Còn một số trí thức của Hàn Quốc lúc bấy giờ thì nói chúng tôi làm việc không có chọn lọc. Nhưng vì tương lai của Hàn Quốc, tôi vẫn tin tưởng chắc chắn lĩnh vực này sẽ thành công, và tôi đã đúng.
Tất cả mọi việc thành hay bại đều phụ thuộc vào cách suy nghĩ và hành động của mỗi người. Có thể đó là một việc mạo hiểm vô cùng nhưng nếu không chấp nhận mạo hiểm, chúng ta sẽ thụt lùi và bị nhấn chìm trong những gì mình đang có. So với quá khứ thì giờ đây Hàn Quốc đã phát triển rất nhiều, tuy nhiên nếu chúng ta bằng lòng với hiện tại thì rất dễ rơi vào tình trạng tụt dốc. Hiện nay, chúng ta dường như đang chững lại và nhiều khó khăn có thể ập đến một lúc.
Nhiều học giả cho rằng nước Đức có kỳ tích sông Rhine, và gọi nền công nghiệp Hàn Quốc là “kỳ tích sông Hàn”. Tuy nhiên về kinh tế và chính trị thì không bao giờ có kỳ tích. Cái gọi là kỳ tích là kết quả của sự nỗ lực không mệt mỏi, sức mạnh tinh thần và niềm tin mãnh liệt vào công việc mình muốn làm.
Tôi dấn thân vào những công việc đầy thử thách và trải nghiệm niềm vui vì đã chinh phục được nó. Tất cả những điều ấy đã giúp tôi gây dựng nên các doanh nghiệp như ngày nay và vẫn tiếp tục đón nhận những thách thức mới. Tiềm năng của con người là vô hạn, và điều đó hứa hẹn một khả năng vô hạn với bất cứ ai. Tôi chỉ là một người nhiệt tình nắm bắt các tiềm năng của mình, biến những khả năng ấy thành hiện thực chứ không phải là con người đặc biệt.
Với bất cứ ai hay việc gì cũng vậy. Nếu dùng tinh thần tiến thủ để biến tất cả những cái mình cần thành của mình bằng tinh thần sáng tạo, biến kinh nghiệm nhỏ nhoi thành hiện thực lớn thì người ta không chần chừ bất cứ điều gì trong cuộc đời họ. Có niềm tin vào mục tiêu của mình, nỗ lực một cách tương xứng với công việc đó thì ai cũng có thể làm được điều mình muốn.
Hiện nay hình như cũng có người đánh giá tôi là một nhà điều hành kinh doanh có tầm cỡ thế giới, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ mình là một nhà tư bản. Tôi chỉ là một người lao động giàu có, là người làm ra hàng hóa bằng chính sức lao động mà thôi.
Tác giả: Chung Ju Yung
Phần VI: Công trình lớn của thế kỷ XX
=> Xem các phần trước tại đây (*)
(*) Vì bài viết dài nên tôi phải tách thành hai phần thì mới có thể tải lên được!
Phần VI: Công trình lớn nhất của thế kỷ XX
TT - Mùa thu năm 1975, vương quốc Saudi Arabia sau khi trình kế hoạch xây dựng cảng công nghiệp Dubai đầy tham vọng, bắt đầu xem xét bản thiết kế xây dựng do Công ty Dịch vụ Anh thực hiện.
Chiếc vé cuối cùng
Đây là công trình lớn nhất trong lịch sử ngành xây dựng thế giới ở thế kỷ 20, là công trình mà mấy trăm năm may ra mới có một. Nó tập trung biết bao ý nguyện phát triển đất nước của hoàng gia Saudi. Ước mơ của họ là xây dựng một cảng công nghiệp lớn trên bãi cát của khu vực Dubai, bằng những đồng tiền tích lũy từ việc bán dầu lửa để hiện đại hóa đất nước, làm ngạc nhiên cả thế giới. Công trình cảng chất hàng Dubai có tính chất hết sức đặc biệt, đòi hỏi gấp rút từ xây dựng cơ bản trên cạn đến dưới nước, lại phải hoàn thiện cả kiến trúc, điện, thiết bị... Không chỉ thế, việc xây dựng cảng biển phải đạt yêu cầu sao cho bốn chiếc tàu chở dầu loại 500.000 tấn có thể cập cùng một lúc, vận chuyển, lắp đặt và lót đá từ độ sâu 30m của nước biển... Có thể nói đây là một trong những công trình khó nhất của thế giới. Cho đến thời ấy, thị trường xây dựng Trung Đông là khu vực độc quyền của các nước tiên tiến. Thời điểm đó công ty chúng tôi đã có kinh nghiệm về kỹ thuật thi công trên biển, đồng thời đây cũng là khởi điểm mà Hyundai chúng tôi vươn lên, chính vì vậy nó mang một ý nghĩa lịch sử cực kỳ to lớn. Khi chúng tôi nhận được thông báo là còn khoảng bảy tháng nữa sẽ đến lúc đấu thầu, chỉ có vài công ty xây dựng của Mỹ, Anh, Tây Đức, Hà Lan chuẩn bị tiếp nhận đấu thầu công trình. Tháng mười hai năm đó, đơn vị chủ quản công trình là Sở Thông tin Saudi nhờ Công ty Waliam Halkuro tuyển chọn 10 công ty tham gia công trình trong lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật. Công tác tuyển chọn là hoàn toàn bí mật. Những công ty được mời tham gia đấu thầu là các công ty nổi tiếng thế giới như Brown and Lute, SantaFe, Lemond International của Mỹ, Kostein, Tamac của Anh, Boskalis và Philip Hosman của Tây Đức, Bolka Stevan của Hà Lan, Spevetanol của Pháp, tất cả chín công ty. Vậy là còn một chỗ trống. Không có công ty xây dựng nào của Nhật Bản được tham gia. Với tôi, ở cái bãi cát mênh mông Saudi này có một công trình lớn như vậy cũng đủ làm cho người tôi sôi lên. Việc chỉ còn lại một vị trí cũng làm cho tôi thấy tim mình hồi hộp. Làm thế nào để có thể bước vào một chỗ duy nhất còn lại trong số 10 công ty mời thầu ấy. “Mục tiêu của chúng ta là chiến thắng trong trận đấu thầu lớn này”. Tôi đã nói như vậy trong cuộc họp chiến lược. Tôi chỉ thị cho giám đốc chi nhánh tại London là Um Yong Ki phải giành được chiếc vé cuối cùng này.
“Chúng tôi bắt đầu đặt chân sang Trung Đông vào tháng mười vừa qua. Công trình đầu tiên của chúng tôi là xưởng đóng tàu sửa chữa Alis Baranh. Trên mảnh đất xa lạ này, chúng tôi đã chuẩn bị chỉ trong vòng một tháng. Điều đó có nghĩa là sức cơ động của chúng tôi không hề yếu kém. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang thiết kế căn cứ hải quân trên vịnh Dubai. Và nhà máy đóng tàu lớn nhất của chúng tôi nhờ vào sự hỗ trợ của nước Anh các ông mà trong thời gian ngắn nhất đã hoàn công để trở thành Nhà máy đóng tàu Ulsan lớn nhất thế giới”.
Lời thuyết phục của ông Um thật ấn tượng. Kết quả là sự nỗ lực hết sức của chúng tôi đã gây được sự thích thú cho Waliam Halkuro. Những tài liệu của Ngân hàng Barclays và Epdor ngày xưa là chứng cứ tiềm năng của Hyundai. Và Waliam Halkuro đề nghị Sở Thông tin Saudi cấp cho chúng tôi tư cách đấu thầu. Sở Thông tin chấp nhận lời đề nghị này. Vậy là chúng tôi đã có trong tay vé đấu thầu vào giây phút cuối cùng. Nhưng cái giá của chiếc vé đó là 20 triệu USD. Đây là số tiền cần để đặt cọc đấu thầu.
Cảng công nghiệp Dubai và vở kịch đấu thầu
Trong suốt một tuần trước ngày mở thầu, đoàn dự toán thăm dò của chúng tôi không bước chân ra ngoài mà ở lì trong nhà nghỉ ở Riyadh, dồn hết tâm trí vào công việc chuẩn bị. Bát đĩa ăn cơm mà chúng tôi đặt bên ngoài mang vào cứ vậy chất đống trong nhà. Việc tắm rửa, cắt tóc đều bị ngăn cấm nên mùi hôi cứ bốc lên nồng nặc trong cái nóng, không thể chịu nổi. Tài liệu dự tính trải đầy trong nhà, từ lãnh đạo đến mọi người trong đoàn ai nấy ngồi bệt lên cả giấy tờ. Cảm giác của chúng tôi lúc này là công trình mà trúng thầu thì ra bãi đất quay tròn cũng được. Tôi kiểm tra tỉ mỉ bản kế hoạch dày khoảng 100 trang và các tài liệu liên quan. Tôi đã giảm bớt 25% giá trị thực tế thi công công trình là 1,2 tỉ USD, lại hạ xuống 5% nữa và quyết định sẽ tham gia đấu thầu với giá 870 triệu USD. Chắc chắn không có công ty nào ứng thầu với giá dưới 1 tỉ USD. Phó giám đốc Chon Kap Won nói giá thầu ấy rẻ quá, tuy nhiên tôi nhấn mạnh không được để công ty nào qua mặt về giá cả thấp hơn. Tôi nghĩ với giá ấy, mặc dù có nhiều thiệt hại nhưng nhiều lao động Hàn Quốc sẽ ra nước ngoài làm việc và tiền họ kiếm được chính là đất nước Hàn Quốc kiếm được. Ngoài ra, việc bán được những nguyên liệu của Hàn Quốc cũng là lợi ích của đất nước, và công ty chúng tôi để lấy danh tiếng trên thế giới bằng công trình này mà nếu quá tập trung vào giá cả cũng không nên. Đương nhiên, lợi nhuận là mục tiêu, tuy nhiên có thứ còn quan trọng hơn lợi nhuận. Đó là cơ hội kinh doanh.
Ngày 16-12. Chúng tôi đứng đợi từ 9g sáng. Bắt đầu từ 9g30, giám đốc của 10 công ty tham gia đấu thầu lần này sẽ vào phòng họp của hội trường Sở Thông tin. Đúng 10g, người phụ trách đấu thầu của Sở Thông tin và nhân viên của các công ty dịch vụ kỹ thuật từ phòng họp bước ra. Người phụ trách đấu thầu thông báo trong vòng năm phút các công ty phải trình hồ sơ đấu thầu, mỗi đội sẽ có một nhân viên vào phòng đấu thầu. Công ty chúng tôi cử Chon Kap Won vào phòng tham gia đấu thầu. Năm phút sau, anh ta từ phòng đấu thầu đi ra nhưng vẻ mặt không mấy mãn nguyện. Kết quả đấu thầu sẽ được công bố vào 1g chiều.
- Sao vậy, anh viết nhầm số tiền tham gia đấu thầu ư? - tôi hỏi anh ta.
- Dạ thưa không phải - thái độ của anh ta là lạ.
- Anh viết theo đúng như tôi dặn chứ?
- Dạ tôi không viết như vậy.
Thật không thể chấp nhận được. Việc không tuân thủ chỉ thị của tôi trong quá trình làm việc là điều không thể có. Tuy nhiên ly nước đã đổ, có nổi nóng cũng chẳng làm được gì. Phó giám đốc Chon Kap Won nghĩ đi nghĩ lại mãi vẫn cho rằng giá đấu thầu 870 triệu USD là quá rẻ. Với quyết tâm là nếu thất bại sẽ nhảy xuống vịnh mà chết, anh ta đã tăng giá thầu thêm hơn 60 triệu USD, lên thành 931.140.000 USD.
Tôi hiểu lòng trung thành của anh ta nên không ghét cái sự bướng bỉnh của anh, nhưng với tôi vì quá mong muốn giành được công trình này nên tôi cảm thấy hết sức thất vọng.
Một giờ chiều, Chong Mun Do vào phòng họp chờ kết quả đấu thầu. Nhưng đã qua 3g chiều mà vẫn không thấy tin tức gì, không những Chong Mun Do mà người của công ty khác cũng chẳng thấy đi ra.
Cửa ra vào phòng họp bị cấm không cho đi lại, những người bên ngoài không thể biết được tại sao việc công bố kết quả đấu thầu lại bị trì hoãn. Tôi hết sức bồn chồn, nhưng người còn lo lắng và hồi hộp gấp trăm ngàn lần tôi chính là Chon Kap Won. Anh ta chịu đựng không nổi nên khi thấy nhân viên đưa cà phê vào phòng, Chon lẻn vào theo, nhưng sau đó bị đẩy ra ngoài, khuôn mặt anh ta trắng bệch. Trong lúc đi theo người mang cà phê vào phòng, anh ta loáng thoáng nghe thấy kết quả trúng thầu là Công ty Brown and Lute của Mỹ với giá 944.400.000 USD.
Tôi chẳng biết nói gì, nỗi thất vọng tràn trề vây kín lấy tôi. Chon biến đi đâu mất, còn Kim Kwang Myong có lẽ cảm thấy đứng bên tôi khó chịu nên nói là đi tìm Chon. Sau này tôi mới biết lúc đó hai người tìm ra gốc cây ở góc sân, nói với nhau rằng: “Đúng là chủ tịch công ty chúng ta là quỉ thần”, rồi khóc.
Tuy nhiên, khi cửa phòng họp mở thì Chong Mun Do đi ra với vẻ mặt rất tươi. Cậu ta đưa ngón tay làm hình chữ V.
- Thế nào? - tôi hỏi.
- Được rồi ạ.
- Được là thế nào?
Giá thầu 944.400.000 USD của công ty Mỹ ấy là giá được giới hạn của phần công trình bến đậu tàu chở dầu biển. Nó được coi như không có giá trị.
“Hyundai đấu thầu vào công trình cảng công nghiệp Dubai gồm bốn phần của chúng tôi với giá 931.140.000 USD. Tất cả mọi tài liệu đều xuất sắc. Đặc biệt chúng tôi cảm động vì việc rút ngắn tám tháng cho thời gian công trình còn 44 tháng mà không có bất cứ một điều kiện gì”. Đó là lời phát biểu của phía Saudi trong quá trình công khai kết quả bỏ thầu...
Trở về khách sạn, tôi lấy ngay số tiền thưởng đã chuẩn bị sẵn từ tối hôm qua chia cho các cộng sự để động viên tinh thần.
Quyết không để Hyundai “chìm xuống biển Saudi chỉ vì tính liều lĩnh” như mối nghi ngại của dư luận, ông chủ tập đoàn, bất chấp mọi trở ngại, đã tìm mọi cách để biến tất cả các kế hoạch thành hành động ngay khi vừa giành được hợp đồng thế kỷ trị giá 930 triệu USD. Với món tiền từ Trung Đông ấy, ông Chung Ju Yung nhớ lại, ngành xây dựng Hàn Quốc đã đưa ra cây gậy để cứu đất nước khỏi nguy cơ phá sản vì nợ nước ngoài.
Nhưng còn một giấc mơ… Giấc mơ của cha về những cánh đồng mênh mông như biển, con trai của người nông dân chẳng bao giờ lãng quên. Và ông phải thực hiện mơ ước ấy, theo tầm vóc của thời đại mình...
Phần VII: Làm thay đổi bản đồ Hàn Quốc
Dự án ngăn đập chắn sóng với phương pháp tận dụng tàu chở dầu, còn gọi là phương pháp Chung Ju Yung
TT - Không biết có phải do tôi sinh trưởng ở nông thôn, từng trực tiếp làm ruộng hay không mà mỗi lần nhìn những cánh đồng lúa hoặc cây lương thực đang lớn trên ruộng, hoặc nhìn những ống khói đang tỏa ra trên những ngôi làng nông thôn chiều tối, tôi vui hơn nhìn bất cứ cảnh đẹp nào. Chỉ cần nhìn những bờ ruộng chất đầy lúa thu đông là lòng tôi cảm thấy náo nức và chẳng có gì an ủi tôi hơn là điều ấy.
Giấc mơ của người cha
Mặc dù ý nghĩ khai hoang của tôi nảy sinh bất ngờ vào một ngày nọ, nhưng đó không phải là sự quan tâm nhất thời. Đó là mơ ước tôi ấp ủ trong lòng bấy lâu nay - thay cha tôi thực hiện mơ ước của ông. Và đó cũng là sự nuối tiếc rằng cha mẹ đã qua đời mà tôi chưa kịp thực hiện mong ước ấy.
Cha tôi mong muốn sẽ có đất đai rộng như biển và ước vọng ấy đã ngấm vào tận trong máu tôi. Với cha tôi, để có một mảnh ruộng, ngày ngày từ sáng sớm tới tối mịt, bất kể cái nắng gắt gao, lưng cong gập và dùng bàn tay làm lưỡi cuốc, lựa những hòn đá nằm lâu ngày mà cuốc. Tôi hiểu thế nào là nỗi mong ước có đất đai và nỗ lực đáng nể của người nông dân nghèo.
Với Hàn Quốc thì không cần phải nói gì thêm về sự cần thiết của việc khai thác và mở rộng thêm diện tích đất nước. Mảnh đất Hàn Quốc giống như hình con thỏ nằm trong bụng mẹ lại bị cắt ở ngang lưng thời ấy chẳng thua kém gì các nước khác về dân số và đang thiếu lương thực rất nhiều.
Ở vùng biển phía tây nam, chúng ta có thể ngăn biển để có được thêm mảnh đất rất màu mỡ. Lợi dụng điều kiện thiên nhiên ưu đãi ấy mở rộng đất đai dù chỉ một gang đất, để lại cho thế hệ mai sau là công việc của chúng tôi hôm nay.
“Con trai người nông dân” hành động
Việc khắc phục khó khăn hoặc phát triển kinh tế của một gia đình, một doanh nghiệp hay một quốc gia không thể chỉ trông đợi vào một nhà lãnh đạo hoặc một nhà doanh nghiệp nào đó. Nó đòi hỏi sự kết hợp của sức sáng tạo có tính khôn ngoan của doanh nghiệp và dũng khí của nhà lãnh đạo trong việc tiến tới mục tiêu chung. Thế là giấc mơ biến bờ biển lồi lõm phía tây nam thành một đường thẳng của tôi đã bắt đầu. Công việc ở giai đoạn đầu cần chú ý nhất chính là ngăn nước ở vịnh Chonshu, vịnh lớn nhất Hàn Quốc.
Mùa hè năm 1978, Tổng cục Phát triển thổ địa được thành lập, Viện Nghiên cứu phát triển lãnh thổ ra đời... Trong bối cảnh đó, vấn đề đất đai được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Chính phủ giao ngành công nghiệp khai thác cho doanh nghiệp tư nhân có khả năng nhằm tận dụng nguồn nhân lực nhàn rỗi, vì tuy thực tế ngành khai hoang do chính phủ trực tiếp làm vẫn còn nhưng dậm chân tại chỗ. Tuy nhiên sau khi chính quyền thay đổi, tháng 4-1982, công trình nối hai bờ ngăn sóng khu vực B bắt đầu và hơn một năm sau, tháng 7-1983, khu vực A cũng bắt đầu. Đây là công trình dân sự lớn nhất từ trước tới nay. Ngoài việc phải bỏ ra hàng trăm tỉ won, công trình còn gặp trở ngại về vấn đề kỹ thuật trong việc khắc phục khó khăn ngay từ đầu vì điều kiện không dễ dàng chút nào. Ở khu vực này, không những triều lên xuống khác nhau quá nhiều mà đặc biệt khi nước rút, nước cuốn mạnh đến nỗi gãy cả cầu chân vịt, việc xây dựng đê chắn nước gần như không thể thực hiện được.
Ngày ấy không những Bộ Nông thủy sản, vốn là cơ quan tiếp nhận đơn và đã phê chuẩn cho công trình, mà cả những người giữ vai trò quan trọng trong công ty chúng tôi cũng cảm thấy không tin tưởng về công trình này. Lý do bởi chi phí cơ bản dự tính cho công trình đủ để có thể mua một mảnh đất khác khai hoang và năm sau có thể gieo giống, thu hoạch mà vẫn còn thừa một khoản tiền.
Một công trình hoàn toàn không có lời. Nếu theo đuổi lợi nhuận thì công trình này chẳng đáng làm. Thế nhưng tôi đã bắt tay vào làm. Vấn đề khó khăn nhất của công trình xây đê này là làm thế nào hạn chế tối thiểu khả năng bị cuốn trôi khi triều lên xuống. Điều đó sẽ giúp giảm bớt kinh phí và rút ngắn thời gian thi công.
Khi xây dựng công trình đê chắn triều khu vực B, để khắc phục tốc độ/ vận tốc thủy triều, chúng tôi đã phải đục lỗ những tảng đá 4-5 tấn, lấy dây sắt cột hai hoặc ba tảng với nhau rồi dùng phà vận chuyển và ném xuống. Chúng tôi dùng 140 chiếc xe vận tải loại 15 tấn cho việc vận chuyển đá cần cho công trình, đó là đá được khai thác từ núi Soksan, cách công trình chừng 30km.
Công trình xây dựng đê chắn triều khu vực A cũng phải dùng đá của núi Soksan, xã Chang, huyện Sosan và phải dùng đến cả đất đá của năm hòn đảo lân cận. Lúc đó có một phóng viên nào đó hỏi tôi: “Xây dựng Nhà máy đóng tàu Ulsan và công trình hiện nay thì cái nào ông thích hơn?”. Tôi đã trả lời rằng việc khai hoang đất hạnh phúc hơn. “Khi xây dựng nhà máy đóng tàu, tôi đã luôn căng thẳng trước các áp lực nhưng những việc ấy đã qua, còn bây giờ chẳng có mạo hiểm và rủi ro nào, vừa hát vừa làm cũng được”. Nói vậy chứ chẳng dễ như hát. Ngày 25-2-1984, phần cuối cùng của khu vực B thật không dễ dàng chút nào. Toàn bộ công trình đê dài hơn 6.400m có đoạn cuối cùng dài 279m là điểm khó nhất. Đứng xa nhìn cũng thấy người như bị đẩy xuống vì tốc độ nước lên đến mức 8m/giây.
Tảng đá to bằng chiếc xe hơi vừa được ném vào ngay tức khắc bị cuốn đi chẳng để lại dấu vết gì. Các loại xe tải 15-30 tấn liên tục chở những tảng đá lớn được nối bằng dây sắt với nhau rồi thả xuống nhưng chẳng khác gì đút bánh qui cho voi ăn.
Có đầy đủ trang thiết bị hiện đại cũng không giúp ích được gì. Tuy nhiên, dường như mỗi lần gặp việc khó khăn tưởng như có một bức tường chắn trước mặt thì một ý kiến mới lại hiện trong đầu tôi. Đó chính là sáng kiến tận dụng chiếc tàu tôi đã mua của Thụy Điển với giá 3 tỉ won đang đỗ ở Ulsan, đang định tháo dỡ bán sắt vụn. Chúng tôi kéo nó đến và dùng nó để chặn thủy triều, con đê còn lại hai bên sẽ dùng đá tảng đổ xuống thì sẽ thành công. Tôi lập tức chỉ thị cho các kỹ thuật viên Công ty cơ khí Hyundai, Hyundai thương thuyền và Hyundai công nghiệp nặng tìm phương pháp làm cho chiếc tàu chở dầu cũ bằng sắt nặng 230.000 tấn, dài 300m, rộng 45m và cao 27m có thể chìm đều xuống khoảng trống nơi sẽ chặn dòng triều cuối cùng.
Ngày 25-2-1984, trước sự chứng kiến của báo chí và sự quan tâm cùng tò mò của bao người về khả năng thành công của phương pháp này, chiếc tàu được dùng để chắn sóng khúc cuối đã bắt đầu chìm và ngày hôm sau thành công hoàn toàn. Công trình này đã được đăng lên các báo Newsweek và Times, sau đó thì chính công ty thiết kế chuyên về kiến trúc sắt thép tầm cỡ thế giới đang đảm nhận công trình chắn triều hạ lưu sông Thames của nước Anh cũng đến hỏi chúng tôi về phương pháp này.
Bằng phương pháp ấy tôi đã tiết kiệm được 29 tỉ won và nhờ công trình lịch sử này mà tôi đã thay đổi được bản đồ đất nước, Hàn Quốc có thêm hơn 100 triệu m2 đất. Nếu bao gồm cả diện tích của hồ chứa nước thì tất cả gần 160 triệu m2, diện tích khai phá gấp 33 lần đảo Youi-do.
Nó còn lớn hơn cả đồng bằng sản xuất lúa gạo lớn nhất Hàn Quốc là đồng bằng Kimche tỉnh Chonbuk, lớn gấp ba lần khu vực Kiehwa đang trồng trọt sau khi đã kết thúc công việc khai hoang. Nếu đem mảnh đất ấy chia cho dân số Hàn Quốc lúc bấy giờ thì bình quân mỗi người dân được khoảng 3,3m2. Tôi ôm ấp giấc mơ biến mảnh đất này thành nơi sản xuất lương thực nhiều hơn cả California - nơi sản xuất lương thực nhiều nhất của Mỹ. Tôi còn mơ sau khi từ giã công việc kinh doanh, tôi sẽ lái máy cày trên cánh đồng này và sống cuộc đời còn lại của mình tại đây. Chính vì vậy tôi quan tâm và dồn tâm huyết vào nó chẳng kém gì việc khác.
Năm 1988, khu vực khai hoang Sosan lột xác thành mảnh đất nông nghiệp cơ khí hóa với qui mô lớn. Ngoài hiệu quả trực tiếp là mở rộng lãnh thổ và tăng thêm nguồn lương thực còn là sự gia tăng công ăn việc làm. Mỗi năm có đến 6,6 triệu người tham gia các công việc liên quan đến mảnh đất này.
Những khát vọng vẫn không ngừng đeo đuổi con người giàu có bậc nhất này. Trở ngại nào cũng không cản được giấc mơ của ông, giấc mơ đã thấm vào máu thịt càng trở nên thôi thúc khi ông trở lại Bắc Hàn - quê hương mà ông xa cách đã 40 năm.
Và ông già tuổi ngoài 70 lại bắt đầu mơ đến những ngày mai....
Phần VIII: Giấc mơ thống nhất
TT - Sau chuyến thăm Liên Xô (cũ) đầu tiên từ ngày 6 đến 12-1-1989, vào ngày 23-1, mười ngày sau khi tôi trở về, tôi nhận được lời mời của ông Hur Dam, người có vị trí thứ tư trong Đảng Lao động, và lên đường sang thăm Bắc Hàn.
Quê hương, 40 năm mới lại đặt chân...
Trong thời gian ở Bắc Hàn, tôi đã thuyết phục họ bằng tấm lòng chân thật và thiện ý. Đại diện của phía Bắc Hàn là Chon Kum Chol, người đã nhiều lần ngồi vào bàn hội đàm với chủ tịch Quốc hội She Mun Sik phía Hàn Quốc, còn Choi Shu Kil là người phụ trách kinh tế thông thương, kinh tế công nghiệp. Ông còn giữ vai trò chính trong việc đòi Nhật bồi thường chiến tranh. Đó là một con người có đầu óc cực kỳ sáng suốt.
Trong thời gian ấy, Chon Kum Chol phụ trách phần quan hệ chính trị, còn Choi Shu Kil đảm nhiệm phần quan hệ kinh tế. Tôi đã ký kết với họ tất cả năm hiệp định.
Thứ nhất là vấn đề khai thác núi Kim Cương, họ nói chẳng có vấn đề gì để lo lắng. Tôi tỏ thái độ mềm mỏng để tránh chạm vào tự ái của họ. “Các anh cũng có nhiều việc để làm, vậy nếu đầu tư tất cả vào núi Kim Cương mà khách du lịch không đến thì làm thế nào?”. Tôi bắt đầu như vậy vì xác định nếu muốn thu hút khách nước ngoài thì phải gom được tiền của thế giới để xây dựng.
Theo kinh nghiệm của tôi, nếu tôi muốn xây dựng một nhà máy sản xuất với mục đích bán hàng vào thị trường Mỹ thì cho dù tôi có đủ tiền để xây dựng đi nữa, tôi cũng vẫn cố kiếm vốn đầu tư của Mỹ, có như vậy họ mới quảng cáo tại đất nước mình và quan tâm tới chúng tôi. Chúng tôi thảo luận suốt mấy ngày liền, cuối cùng mọi việc cũng suôn sẻ.
Trong mười ngày ở Bình Nhưỡng, ngày nào cũng họp liên tục từ 9g-12g. Ngày hôm trước nêu vấn đề rồi ngày hôm sau giải thích. Buổi chiều chúng tôi đi tham quan theo chương trình đã được định sẵn. Họ cho tôi xem cơ sở vật chất công nghiệp, tuy nhiên trong suy nghĩ của tôi, ngoài ximăng ra, họ chẳng có một mặt hàng nào có tính cạnh tranh. Tôi khích lệ rằng họ đã nỗ lực nhiều.
Có lẽ không cần phải nói nhiều về sinh hoạt của người dân Bắc Hàn, về cuộc sống còn nhiều khó khăn của họ. Đó là phép lịch sự của người được mời làm khách, và dù ghét hay yêu thì chúng tôi cũng là một dân tộc, chung một dòng máu.
Nếu có điều muốn nói thì là khi tôi tới sân bay, tất cả thân thích của tôi đều ra sân bay đón. Tất cả phụ nữ mặc trang phục giống nhau, hỏi ra mới biết chính phủ đã chuẩn bị cho họ như vậy. Về tới quê hương, tất cả thân thích của tôi đứng vào một góc và đồng thanh nói: “Nhờ vào tướng quân vĩ đại nên chúng tôi có cơm ăn đủ no và sống hạnh phúc”. Chưa bao giờ tôi cảm nhận được nỗi đau bị chia cắt 40 năm đến như vậy.
Đoàn của chúng tôi chỉ có bốn người, trong khi số người đi theo chúng tôi đông gấp 40 lần, tôi chẳng nói gì được với bà con, chẳng nói được tôi làm gì ở phương Nam. Có lẽ họ hàng tôi chỉ nghĩ rằng tôi là một người buôn bán và có đủ cơm ăn no bụng. Họ còn hỏi tôi rằng tháng tư sang năm có đến thăm họ nữa không!
Trong đầu mình, tôi thầm nghĩ Bắc Hàn sẽ là vấn đề tôi tiếp tục quan tâm, chờ đợi thời cơ và nhận định theo ý kiến của tôi.
Khai thác Siberia vì ngày mai
Có hai lý do chính khiến tôi quan tâm nhiều đến nước Nga.
Thứ nhất, họ có nguồn tài nguyên vô tận từ gỗ, dầu lửa, than đá trong lòng đất cho đến cá trên biển Siberia. Hiện nay tất cả các loại nguyên liệu của chúng ta đều phải mua tận bên kia Thái Bình Dương từ các nước Mỹ, Canada, Úc hoặc châu Phi và phải chi một khoản tiền chuyên chở khổng lồ.
Nếu muốn nền móng sự phát triển liên tục của kinh tế Hàn Quốc trở nên kiên cố thì trước tiên phải đảm bảo chắc chắn nguồn nguyên liệu. Những nước tiên tiến cũng vậy, hoặc họ đang sở hữu nguồn tài nguyên của nước mình, hoặc bảo đảm nguồn cung cấp tài nguyên qua sức mạnh kinh tế. Còn đất nước nào không đảm bảo được nguồn tài nguyên nguyên liệu cho ngành công nghiệp thì sức mạnh kinh tế của đất nước giảm sút và gặp khó khăn là điều khó tránh khỏi.
Trước đây ngành ván ép của Hàn Quốc đã có thời chiếm lĩnh thị trường thế giới. Tuy nhiên, do nguồn nguyên liệu gỗ không được đảm bảo nên cùng với sự phá sản của “đại gia” Dongmyong, ngành ván ép hoàn toàn mất sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế và Hàn Quốc đang từ một nước xuất khẩu ván ép hàng đầu thế giới trở thành nước nhập khẩu ván ép.
Gần một năm trời, tôi sang Nga nhiều lần để nỗ lực củng cố mối quan hệ giữa hai nước, xây dựng niềm tin với nhân dân Nga về hình ảnh doanh nghiệp Hàn Quốc. Và nhờ vào sự tin tưởng đó mà chúng tôi sớm thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ hai nước Hàn - Nga. Đó là lý do thứ hai tôi quan tâm đến Nga, ảnh hưởng của Nga sẽ là con đường tắt giúp chúng tôi thống nhất đất nước.
Xét về thương mại, đương nhiên quan hệ với Trung Quốc tốt hơn. Tuy nhiên, ngoài tôi ra, nhiều doanh nghiệp khác cũng đang hợp tác với Trung Quốc nên tôi nghĩ việc làm của tôi là toàn tâm toàn ý với Nga, góp phần mở đường trong việc thống nhất hai miền Nam Bắc, cũng là để đảm bảo chắc chắn nguồn nguyên liệu, xây dựng nền móng cho hàng vạn thế hệ sau. Một khi đất nước thống nhất, Hàn Quốc sẽ có số dân 60-70 triệu người rắn chắc và trí tuệ.
Hiện nay so với Nhật Bản thì kinh nghiệm, vốn và kỹ thuật của chúng tôi thua kém hơn, nhưng người Nhật làm được thì chúng tôi cũng có thể làm được. Trước đây, khi Hàn Quốc xây dựng ngành công nghiệp đóng tàu hoặc tiến vào Trung Đông, người Nhật đã cười mỉa mai.
Họ nói rằng chẳng có kỹ thuật, chẳng có vốn, chẳng có kinh nghiệm gì như chúng tôi mà lại dám nhận. Rồi 20 năm sau, khi chúng tôi khai thác vùng Siberia, có lẽ cũng có người Nhật cười rằng làm sao chúng tôi có thể đến cái nơi thời tiết khắc nghiệt với nhiệt độ âm tới 50-70OC. Nhưng tôi nghĩ chẳng có việc gì mà chúng tôi không làm được.
Chúng tôi phải nỗ lực hơn quá khứ, đổi mới nhiều hơn,
nâng cao năng suất và chất lượng hàng hóa, biến thị trường mà Nhật Bản đang chiếm giữ thành thị trường của Hàn Quốc và cạnh tranh với Mỹ. Một khi hai miền Nam - Bắc thống nhất thì những tài nguyên khai thác từ vùng Siberia phía bắc sông Tuman sẽ giúp ích rất lớn cho kinh tế Hàn Quốc.
Bởi vì khi quan hệ Hàn - Nga tốt hơn so với quan hệ của Nga với các quốc gia khác thì Hàn Quốc sẽ trở thành nước đảm nhận vai trò trung tâm của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Với ý nghĩa quan trọng như vậy nên việc khai thác Siberia chẳng có gì phải chần chừ.
Không có thất bại, tất cả đều là thử thách. Ông chủ Tập đoàn Hyundai đã chứng minh điều đó bằng cả cuộc đời mình, bằng chính những nỗ lực không ngừng nghỉ. Bài học của ông thật đơn giản: người nỗ lực hết sức vì việc nhỏ cũng sẽ nỗ lực hết sức vì việc lớn. Cũng nhờ vậy, từ hai bàn tay trắng ông dựng nên cơ nghiệp... Từ những thành đạt của mình, ông nói gì với những người đi sau?
Chuyến đi của chủ tịch Chung Ju Yung tới CHDCND Triều Tiên năm 1998 đã khiến báo giới Hàn Quốc gọi ông là “người mơ tưởng vĩ đại”, bởi những giấc mơ của ông được thực hiện với cái giá khá đắt.
Hyundai đồng ý trả 1 tỉ USD cho Bình Nhưỡng trong một hạn định để mua quyền khai thác núi Kim Cương mà Chung dự định mở thành một khu du lịch. Sau đó, Hyundai phải chi những khoản không nhỏ cho “các siêu dự án bảy điểm” (khách sạn, đuờng sắt, thông tin, điện toán, khu công nghiệp...).
Nhưng Chung không chùn tay, vì ông biết những khoản tiền khổng lồ này có thể giúp ông bắc chiếc cầu qua sự chia cắt. Và dự án núi Kim Cương đã là bước đột phá cho cuộc gặp cấp cao liên Triều hai năm sau đó, vào tháng 6- 2000 giữa Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong Il và Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung.
Sau khi Chung qua đời năm 2001, một trong những người tiếp nối con đường thống nhất của cha là Chung Mong Hun - Chủ tịch Hyundai Asan (chuyên phục vụ các hợp đồng làm ăn liên Triều), người con thứ năm trong sáu con trai của ông.
Tuy nhiên, cuộc đời của Chung Mong Hun lại kết thúc bi thảm. Ông nhảy từ lầu 12 tự tử ngày 4-8-2003, sau khi các nhà kiểm toán Hàn Quốc chứng minh 186 triệu USD mà Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc cho Công ty Hyundai Merchan Marinbe (chuyên điều hành các tàu du lịch từ nam tới núi Kim Cương ở CHDCND Triều Tiên) vay, đã được chuyển cho CHDCND Triều Tiên qua một tài khoản giả và “có liên hệ với cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều”.
Đây là kết quả cuộc điều tra nhằm làm sáng tỏ cáo buộc của phe đối lập Hàn Quốc là “Hyundai đã hối lộ để mua cuộc gặp cấp cao lịch sử 2000”.
Phần IX: “Người nhập cư” ở Seoul
TT - Khi tôi chuyển từ căn phòng thuê trên tận đỉnh núi phường Huynzo đến cửa hàng gạo ở phường Sindong, tôi đưa từng đứa em một lên Seoul, vợ tôi vừa bán gạo vừa bán đậu phụ, kiếm chi phí cho gia đình.
Nguồn vốn của mỗi người
Lúc biến động ngày 25-6 xảy ra sau đó, tôi đưa cha mẹ mình xuống ở chung tại phường Sinsol, rồi chuyển xuống phường Tonam. Khi ấy, xưởng sửa chữa ôtô của tôi có tới 60 công nhân, qui mô tương đối lớn, nhưng không vì thế mà tôi tự mãn. Cơm sáng của tôi không có gì hơn ngoài kim chi và một bát canh. Hằng ngày mẹ và vợ tôi đội cơm và thức ăn lên đầu đưa ra cho số nhân viên đông đảo ấy.
Ngay từ bé, hồi còn học tiểu học, mỗi khi đi học về là mẹ đưa tôi ra đồng, tìm cho một khu đất trồng vừng và bắt cày. Trồng vừng xung quanh ruộng kê sẽ ngăn được bò đến phá ruộng vì chúng sợ mùi lá vừng.
Vào mùa đông khi nhàn rỗi, cha tôi từ sáng sớm đã mang sọt đi nhặt phân bò và phân chó về làm phân bón, mẹ tôi thì đặt thùng nước tiểu sẵn trong nhà để gom nước tiểu của bọn trẻ. Tụi trẻ chúng tôi ở tuổi ấy nghịch ngợm cố tình không tiểu vào chiếc thùng mà đi tiểu ở chỗ khác, mẹ tôi phải rang đậu đỏ chia cho ăn chúng tôi mới chịu nghe lời.
Tôi nhớ có lần được xem cảnh sinh hoạt của một thanh niên nông thôn trên tivi. Lời nói của anh thanh niên ấy thật đáng học hỏi: “Trong số bạn của tôi cũng có người ra thành phố, mỗi tháng kiếm cả trăm ngàn won. Tuy nhiên số tiền đó phải dùng vào việc này việc kia nên tiết kiệm cũng chỉ được 10%. Còn thu nhập của tôi tuy không bằng một nửa của bạn ấy nhưng mỗi tháng tôi tiết kiệm được một nửa số tiền tôi kiếm được. Chính vì vậy nếu tôi làm việc nhiệt tình như bây giờ, tôi tin là trong tương lai không xa tôi sẽ giàu có hơn bạn ấy”.
Tôi đồng ý với người thanh niên đó. Làm việc nhiệt tình và tiết kiệm triệt để thì sẽ sống giàu có hơn người lãng phí. Nhiều người nói với tôi là họ có kế hoạch kinh doanh mang tính khả thi nên xin tôi cho vay vốn.
Mỗi lần như vậy tôi đều nói với họ: “Không phải anh không có vốn mà vì anh không có uy tín. Tôi không nói người ta xấu mà chỉ vì những người anh xin vay tiền không cảm thấy đủ tin tưởng anh nên chuyện vay tiền mới khó như vậy. Nếu anh tạo cho người ta đủ niềm tin rằng anh sẽ thành công thì tôi tin rằng tiền bao nhiêu cũng có”.
Đúng như vậy. Uy tín chính là vốn. Nếu con người đó tạo đủ niềm tin với mọi người rằng anh ta cần cù, trung thực, chính trực thì đó sẽ là nguồn vốn, anh ta có thể phát triển, mở rộng cuộc đời mình bao nhiêu cũng được.
Tôi là người đã trực tiếp trải qua điều ấy và biết rằng người làm kinh doanh buôn bán có tiền thì tốt, nếu không có tiền thì với uy tín thôi cũng làm được. Về điều này thì doanh nghiệp hay cá nhân đều như nhau.
Cá nhân có thể bắt đầu làm một doanh nghiệp nhỏ với uy tín mình có, rồi từ cái uy tín đó mà có thể phát triển doanh nghiệp nhỏ thành doanh nghiệp lớn hơn, từ doanh nghiệp vừa thành doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp lớn phát triển và trưởng thành thành doanh nghiệp có qui mô toàn cầu.
Khi tôi rời quê hương trong tay không có lấy một đồng xu, thế mà bây giờ đã trở thành một doanh nghiệp lớn như thế này. Nếu chỉ gom tiền để trở thành một doanh nghiệp như thế này thì tuyệt đối không thể làm được. Với sự thành thật và chân chính, tôi được ông chủ cửa hàng gạo tin tưởng, và được ông giao lại cửa hàng.
Tôi bắt đầu kinh doanh với nguồn vốn duy nhất là người đáng tin cậy, đáng tin về sản phẩm, đáng tin về quan hệ tiền bạc, đáng tin về hợp đồng cung cấp, về thời hạn, về chất lượng công trình, kết hợp tất cả uy tín ở những lĩnh vực khác gom lại và trở thành Hyundai ngày hôm nay.
Chỉ một mình ngành xây dựng Hyundai thôi, chúng tôi đã giao dịch với 20 ngân hàng lớn trong thị trường tiền tệ thế giới. Chúng tôi không cần nhờ chính phủ viết bảo lãnh, chỉ cần một tờ hứa chi trả của Công ty xây dựng Hyundai và không cần thế chấp, chúng tôi cũng có thể mượn được 2 - 3 tỉ USD.
Tích lũy bằng sự cần cù và tiết kiệm
Ngày mai phụ thuộc vào cuộc sống ngày hôm nay.
Chúng ta tin rằng người nào nhiệt tình làm những việc nhỏ thì những việc lớn họ cũng như vậy. Những người ngay cả chuyện nhỏ không thất hứa, gắng thực hiện thì việc lớn cũng đáng tin cậy. Người nỗ lực hết sức vì việc nhỏ cũng sẽ nỗ lực hết sức vì việc lớn.
Đó chính là uy tín. Điều này đúng với tất cả cá nhân, doanh nghiệp và nhà nước. Mầm mống của nó mọc từ từ và lớn lên trong cuộc sống của chúng ta như một cây xanh. Đồng thời, uy tín cũng chính là danh dự.
Từ năm 18 tuổi, tôi rời nông thôn đến nơi đất khách, làm từ lao động nặng đến công nhân khuân vác đá và tiết kiệm tối đa. Để tiết kiệm 10 đồng tiền củi, dù lạnh thế nào tôi cũng chỉ đốt lửa vào buổi tối, nấu cơm cho cả sáng và trưa hôm sau, rồi hơ những tấm đá sưởi nền vào lửa để lấy hơi nóng mà nằm.
Tôi cũng không hút thuốc. Bụng chưa no thì chẳng có lý do gì biến tiền thành khói. Tôi không muốn lãng phí đồng tiền - đã phải bán sức mình mới có được - vào những việc như vậy.
Ngay cả thời làm công nhân vận chuyển gạo cho cửa hàng Phục Hưng có công việc ổn định, để tiết kiệm 5 đồng tiền tàu điện, hằng sáng tôi vẫn cố gắng dậy sớm để đi bộ đi làm. Giày mòn, tôi chưa muốn vứt đi nên lấy đinh đóng thêm một cái vào đế, quần áo từ mùa xuân đến mùa thu cũng chỉ một bộ, mùa đông đến thì mặc thêm áo lót bên trong.
Báo thì ra đến nơi làm việc đọc báo của người ta. Nếu nhận được một tháng lương trị giá một bao gạo, nhất định tôi phải tiết kiệm một nửa, tiền thưởng nhận vào mỗi dịp lễ tết tôi bỏ hết vào ống tiết kiệm.
Tôi thắt lưng buộc bụng, chắt chiu từng đồng lương ít ỏi, rồi chuyển từ ở phòng thuê trả phí từng tháng sang phòng thuê trọn gói, đưa một số tiền nhất định cho chủ nhà, rồi từ phòng thuê trọn gói sang nhà tranh của riêng tôi... Chẳng những vậy, sự thật thà và đáng tin cậy trong tôi đã dần dần có chỗ đứng trong mọi mối liên hệ xung quanh mà ngay bản thân tôi cũng không nghĩ tới.
Tôi đã tiết kiệm tối đa để mua nhà cửa, vì vậy mỗi lần gặp anh chị em công nhân làm việc tại công xưởng, tôi luôn khuyên nhủ họ phải cần cù, tiết kiệm, dè sẻn. “Nhà phải đi thuê mà lại mua tivi, chỉ cần một chiếc radio thôi cũng đủ biết được tất cả mọi tin tức rồi. Hãy chịu đựng cho đến khi mua được nhà. Cà phê, thuốc lá cũng vậy. Công ty đã phát cho quần áo làm việc, khăn mặt và thậm chí cả quần áo lót nên không cần mua quần áo nữa, comlê cũng chỉ mua một bộ dành khi đến thăm nhà cha mẹ vợ thôi”.
Sự uy tín có được do cần cù và trung thực sẽ giúp chúng ta gặp được người hỗ trợ chẳng khó khăn gì. Tôi không tin vào những người sống mà tiền kiếm được bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu, dùng trên cả mức kiếm được và luôn luôn mang nợ.
Con chim cũng cần cù mới tìm được miếng ăn ngon.
Cùng một số mệnh, cùng một thời gian sống, có người thì làm được 10 lần, 20 lần người khác, có người thì không làm được dù chỉ là một phần mấy mươi, một phần mấy trăm. Còn người lười nhác, để thời gian trôi đi một cách vô ích thì chẳng thể nào hạnh phúc được.
Một ngày làm việc cần cù thì một đêm có thể ngủ ngon giấc; một tháng cần cù thì sẽ thấy cuộc sống của mình đi lên; một năm, hai năm, ba năm, cả cuộc đời cần cù thì sẽ thấy sự phát triển to lớn. Cuộc sống của người cần cù sẽ ý nghĩa hơn biết bao nhiêu, họ có thể làm việc gấp bao lần người khác.
Nhìn lại con đường mình đã đi, Chung Ju Yung - ông chủ Tập đoàn Hyundai - nhận ra mình đã bước qua rất nhiều rào cản của một lối suy nghĩ, một cách hành xử… Ông gọi đó là những cạm bẫy. Nhưng cạm bẫy trong mắt một người như ông không thông thường như mọi người quen thấy…
Phần X: Sức mạnh của xã hội trong sạch
Xe Pony - nhãn hiệu ôtô đầu tiên có tỉ lệ nội địa hóa 100% vào năm 1976 - mười năm sau ngày Hãng xe Hyundai được thành lập (1966)
TT - Người nghèo muốn trở nên giàu phải chiến thắng trong điều kiện bất lợi nhiều hơn so với người đã giàu muốn giàu có hơn.
Nếu không nỗ lực gấp 10 lần, 20 lần so với người giàu để khắc phục hoàn cảnh bất lợi thì không thể giàu được.
Nỗ lực để đuổi kịp các nước giàu có mà chẳng có tài nguyên gì chính là hoàn cảnh bất lợi của đất nước chúng tôi.
Tài nguyên con người
Là một nhà doanh nghiệp nên tôi có nhiều điều kiện tiếp xúc với nhiều nhà doanh nghiệp nước ngoài hoặc với những chuyên gia về chính sách kinh tế.
Những lúc đó họ hỏi tôi rất nhiều, làm sao Hàn Quốc không có tài nguyên, chẳng có vốn mà lại phát triển được từ một nền kinh tế nghèo nàn như vậy.
Tôi trả lời họ một cách đơn giản và rõ ràng rằng bí quyết của việc phát triển kinh tế thành công chính là nhờ sự cần cù và ưu tú có một không hai của nhân dân Hàn Quốc, đó là yếu tố con người.
Tại các căn cứ đánh cá viễn dương của Hàn Quốc ở Las Palmas, từ bảy, tám năm trước đã có 6.000 - 7.000 kiều dân của chúng ta sống tại đây, tất cả mọi người đều đi lại bằng ôtô riêng của mình, rồi tạo nhiều điều kiện thuận tiện cho những người Hàn Quốc khác đến đây, vì thế tôi cũng được đi nhờ xe của họ.
Tất cả kiều dân của chúng ta nơi này làm ăn vẫn có lãi trong khi những đoàn đánh cá châu Âu không tránh được lỗ. Sự ưu tú và cần cù của người Hàn Quốc được công nhận.
Cách đây không lâu tôi có dịp đi Canada và gặp chủ tịch Phòng Công nghiệp & thương mại nước này, ông ta nói: “Ở Canada, chúng tôi trợ cấp cho người thất nghiệp, vậy mà trong số kiều dần Hàn Quốc ở đây, chẳng có người nào phải cần đến trợ cấp cả”.
Thời ấy mức trợ cấp thất nghiệp là 400 USD, lương của người Hàn Quốc một tháng không như vậy nhưng họ vẫn làm kiếm tiền sống chứ không sống bằng trợ cấp thất nghiệp.
Ông ta cảm động và khâm phục người Hàn Quốc và nói nếu Canada tiếp nhận di dân thì họ chỉ nhận người Hàn Quốc mà thôi.
Chúng ta chỉ dựa vào tài nguyên con người ưu tú mà có ngày hôm nay. Tài nguyên tự nhiên của đất nước thì có hạn, nhưng sức sáng tạo và nỗ lực của con người là vô hạn.
Phát triển kinh tế dựa vào tài nguyên thì khi tài nguyên cạn kiệt, phát triển cũng dừng lại. Còn nếu phát triển giành được qua nỗ lực của bản thân và công việc thì sẽ vững vàng mãi mãi mà không bị suy tàn.
Việc lấy dầu trong lòng đất rồi bán để thu hàng núi tiền, gửi vào ngân hàng và sống bằng lãi ngân hàng không phải là giàu có đúng nghĩa, cũng chẳng phải là sự phát triển đúng nghĩa. Vì vậy, phát triển kinh tế Hàn Quốc chính là điều có ý nghĩa sâu sắc và có giá trị.
Theo đuổi số tiền lớn và nhiều lợi ích thì ngành xây dựng là chủ đạo, tuy nhiên với Hyundai và đất nước, tôi nghĩ ngành ôtô sẽ phải trở thành một trong những ngành chủ chốt.
Chiếc xe hơi là biểu hiện về trình độ khoa học kỹ thuật của đất nước chế tạo ra nó. Nó cũng chính là hình ảnh của đất nước đó. Nhờ vào ấn tượng xuất khẩu xe hơi nên những hàng hóa khác của Hàn Quốc cũng sẽ được đánh giá cao ở các quốc gia nhập khẩu xe chúng tôi”.
Trong sạch - động lực của sự phát triển
Có đất nước phát triển, có đất nước thụt lùi, có đất nước diệt vong. Vậy điều gì đã làm cho nước này phát triển còn nước khác diệt vong? Tôi nghĩ vấn đề cốt lõi là tinh thần và thái độ của chính phủ nước ấy, của doanh nghiệp và người dân nước ấy.
Nếu chính phủ không trong sạch thì tiêu cực sẽ lan sang doanh nghiệp và nhân dân trên tất cả lĩnh vực và sự bất chính trở thành một phong trào. Một xã hội như vậy thì không thể kích thích doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả và cũng không phát huy được năng lực của nhân dân.
Hàn Quốc cũng vậy, mỗi lần thay đổi chính quyền đều kèm theo nhiều lời kêu gọi xây dựng một xã hội trong sạch, nhưng rất tiếc tất cả chỉ là những lời kêu gọi trống rỗng.
Chúng ta hãy nhìn Nhật Bản, một cường quốc kinh tế của thế giới, đất nước này phát triển phồn vinh và hùng mạnh vì ít tiêu cực.
Mấy năm trước, tôi có nghe tổng giám đốc Shin Kiok Ho của Tập đoàn Lotte ở nước này kể một câu chuyện như sau:
Ông Shin có một người bạn thân làm giám đốc sở thuế. Một hôm ông Shin đến nhà ông giám đốc sở thuế để chơi cờ.
Thấy bà vợ ông giám đốc đang rắc xà phòng lên quần áo để trên tấm gỗ và giặt bằng tay nên về nhà mua và gửi tặng vợ chồng ông giám đốc một chiếc máy giặt mà chẳng có suy nghĩ gì.
Hôm sau ông giám đốc sở thuế kêu ông Shin đến và nói: “Tôi cứ tưởng anh chơi với tôi cả chục năm trời nên hiểu tôi, nào ngờ anh làm thế này khiến tôi thật bực mình. Anh là người giàu có, hài lòng vì có nhiều tài sản và công nhân làm việc cho mình nên anh mãn nguyện, còn tôi cũng mãn nguyện theo cách của tôi. Tôi tuy sống trong căn phòng không đến 70m2 và vợ tôi vẫn giặt quần áo bằng tay nhưng chúng tôi là người được tất cả quốc dân kính trọng. Vì sao ư? Vì tôi tự hào lương tâm tôi đã không làm việc gì xấu cả, tôi tự hào là người trong sạch nhất trong những viên chức của Nhật Bản và hài lòng với mức lương nhỏ bé từ xử lý công việc đất nước một cách công minh. Tôi muốn sống một cách đường hoàng, không có gì xấu hổ theo mục tiêu của tôi, vì vậy mong ông hãy mang món quà này đi cho”.
Đây cũng là chuyện đáng để chúng ta học hỏi và cũng là chuyện chúng ta ao ước.
Hiện nay ở châu Á, đất nước đang phát triển mạnh mẽ là Singapore. Với dân số không quá 2,5 triệu, những năm 1980 Singapore đã xuất khẩu được 225 tỉ USD, nhiều hơn 3,5 tỉ so với dân số 37 triệu của Hàn Quốc.
Vậy động lực của họ là gì? Singapore là một đất nước rất nhỏ bé, tài nguyên thì ngay cả nước uống cũng không có, cái duy nhất mà người dân nước này có chỉ là không khí. Thế mà người dân Singapore lại có thể sống một cách giàu có. Chính là vì chính phủ, doanh nghiệp và nhân dân nước này trong sạch.
Một chính phủ trong sạch, nhân dân không biết đến tiêu cực, đó chính là căn bản của động lực phát triển kinh tế Singapore.
Hyundai của chúng ta cũng đã từng vào Singapore xây dựng công trình. Những người phụ trách công trình tại đó đều nói rằng không có đất nước nào trên thế giới sạch sẽ như ở đây. Thật là may mắn khi làm việc tại đó.
Ở đất nước đó, từ cán bộ quản lý cao cấp làm giám sát công trình cho đến tất cả nhân viên quản lý cấp dưới đều không bao giờ làm khó dễ để kiếm chác, cũng chẳng có chuyện nghiêng về bên nào.
Do không ai quấy rầy, không ai chìa tay đòi tiền nên tất cả mọi người chỉ tập trung vào làm việc, chỉ suy nghĩ làm thế nào để theo đúng kế hoạch và làm việc có năng suất mà thôi.
Chính vì vậy tất cả công trình tiến hành tại Singapore dù là xây dựng cơ bản, kiến trúc đều có thể làm với giá rẻ nhất thế giới. Như vậy thì đất nước không thể không phát triển. So sánh với Hàn Quốc, điều kiện khí hậu, văn hóa, giáo dục của Singapore không bằng chúng ta. Cái mà họ hơn chúng ta là chế độ chính trị và xã hội trong sạch, từ đó phát huy hết năng lực của mình.
Hàng hóa không gặp những tổn thất không đáng có, sức cạnh tranh được nâng cao, ngân sách nhà nước không bị lãng phí, người dân cảm thấy tự hào.
Mỗi lần có cơ hội, tôi đều nói với nhân viên của mình hãy sống với tấm lòng trong sạch. Tất nhiên, tôi cũng mong mình là “doanh nghiệp lớn nhất” nhưng thật tình tôi muốn được đánh giá là “doanh nghiệp trong sạch” trước.
Đất nước, xã hội và cả cá nhân phải trong sạch thì xã hội mới phát triển được. Nếu tất cả đều trong sạch thì ai cũng mong muốn một ước vọng duy nhất là có ích cho đất nước và có thể chuyển cái khát vọng mãnh liệt đó thành hiện thực, sau đó là một sự phát triển chói lọi nối tiếp.
Cả cuộc đời tôi chưa bao giờ nghe một đất nước, một xã hội, doanh nghiệp nào đó không trong sạch mà phát triển được.
“Tôi muốn bảo vệ các con của mình” - ông Chung Ju Yung nói vậy. Nhưng với một người giàu có như ông, đã tự mình tay trắng làm nên cơ nghiệp của chính mình, thì cách bảo vệ nào được ông chọn lựa?
Đó là cả một nỗi khổ tâm không dễ giãi bày. Con trai của người nông dân nghèo giờ đang phải đối diện với những đứa con trai của một doanh nghiệp lớn…
Phần XI: Bước qua "cạm bẫy"
TT - Tất cả chúng ta ai cũng ít nhiều mang lối suy nghĩ cũ trong mình. Dù là người quản lý chuyên nghiệp, một kỹ thuật viên hay bất kỳ người nào thì hoặc thiếu năng lực nắm bắt mọi thứ, hoặc chỉ quan tâm vào lĩnh vực của mình nên bị trói buộc vào quan niệm cố định.
Rào cản “sách giáo khoa”
Lối suy nghĩ cũ làm cho con người trong những tình huống bình thường thì có năng lực, nhưng khi gặp khó khăn hoặc lâm vào hoàn cảnh nguy kịch thì trở thành bất tài. Tôi đã thấy vô số trường hợp như vậy.
Nếu trở thành nô lệ của lối suy nghĩ cũ sẽ không có tính thích ứng. Suy nghĩ theo sách giáo khoa cũng là một cạm bẫy. Con người tài giỏi phải vượt qua được cạm bẫy một cách trí tuệ.
Có một câu chuyện như thế này khi tôi còn xây dựng bến đỗ của xưởng đóng tàu. Lúc ấy vì chưa hoàn thành bến đỗ nên chúng tôi chưa thể lắp đặt máy cẩu di chuyển tự động. Cho nên việc vận chuyển tất cả vật dụng loại lớn như máy 30.000 mã lực, linh kiện, phụ kiện không có cách nào khác là phải dựa vào sức sáng tạo của con người.
Các kỹ thuật viên kết luận rằng việc vận chuyển các linh kiện lắp ráp xuống đáy sâu khoảng 12m phải chờ đến khi có một chiếc cẩu khổng lồ mới thực hiện được, tôi nói đó là kết luận của sách giáo khoa.
Đưa cẩu đến nơi phải mất ba tháng, như vậy công trình không thể hoàn thành đúng kế hoạch và thất hứa với chủ thuyền. “Vậy thì xếp các tảng bêtông đúc sẵn lên xe bánh trượt, rồi dùng độ nghiêng của dốc kéo ngược lại, cho xe chạy xuống từ từ thì về mặt lý luận có thể được hay không?”. Tôi hỏi thế và nhân viên kỹ thuật trả lời là có thể. Và chúng tôi đã vận chuyển được tất cả các tảng bêtông đến đáy của bến đỗ một cách đơn giản vậy mà không cần có cần cẩu khổng lồ.
Khi chúng ta cần tính gấp cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của mình thì phương thức theo sách giáo khoa chẳng giúp ích được gì. Đối với cả những nước tiên tiến, việc xây dựng một nhà máy qui mô như Nhà máy đóng tàu Ulsan thì mất ít nhất ba năm là chuyện bình thường. Sau khi xây dựng xưởng đóng tàu một thời gian dài như vậy rồi mới bắt tay đóng tàu cũng là chuyện thường thấy.
Nhưng tôi bỏ qua những thông lệ và cách suy nghĩ ấy. Không những tôi không nghĩ sẽ dừng ở lối suy nghĩ cũ mà tôi cũng chẳng có đủ thời gian để làm việc ấy. Tôi cho tiến hành đồng thời việc xây dựng nhà máy đóng tàu và việc đóng tàu. Nếu tôi không quyết định như vậy thì chắc chắn Hyundai đã ôm thất bại thảm hại.
Rồi việc xây dựng Nhà máy sản xuất ôtô Hyundai ở Ishon. Nhìn vào bản thiết kế thì dây điện đi qua một ngôi làng nhỏ, nhân viên làm việc tại hiện trường chắc muốn tránh khó khăn về vấn đề bồi thường đất nên đã cho đi đường vòng. Tôi vặn hỏi tại sao lại đi đường vòng cho tốn nhiều dây hơn. Tất nhiên câu trả lời của họ là do trở ngại so với dự kiến ban đầu.
Tôi lập tức chỉ thị thay đổi bản thiết kế và lắp đặt đường dây chạy thẳng, dù biết chi phí cho việc bồi thường đất có khi còn đắt gấp hai lần so với chi phí đặt dây đi đường vòng. Nếu tất cả mọi việc đều được xử lý theo lối suy nghĩ dễ dàng thì khi gặp khó khăn sẽ trở nên lười nhác, điều này là không được.
Lối suy nghĩ thích làm việc dễ dàng cũng chẳng khác gì lối suy nghĩ cũ.
Đừng ngược đãi bản thân!
Tôi luôn nghĩ mình hạnh phúc vì sinh ra ở Hàn Quốc. Nơi đây có bốn mùa rõ rệt, mỗi mùa có cái hay riêng. Mỗi lúc chuyển mùa tôi lại có cảm giác thoải mái và hoan hỉ không thể tả.
Chúng ta phải sống thật tốt trong cuộc đời mình. Ngay từ thuở nhỏ, dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chưa bao giờ tôi nghĩ mình bất hạnh. Tôi luôn hạnh phúc với hiện tại và sống một cách hài lòng.
Lúc 10 tuổi, tôi theo cha ra những cánh đồng nóng bỏng, cả ngày còng lưng dưới cái nắng chói chang học làm ruộng. Khi mệt mỏi thì tôi ngủ một giấc ngon lành dưới bóng râm, tận hưởng cơn gió mát mẻ như vào chốn cực lạc và thật hạnh phúc.
Rồi khi gánh những thùng gỗ ra chợ, bụng đói lả khi đi qua những quán hàng san sát mà tôi vẫn không lung lay, chỉ lấy duy nhất một đồng trong số tiền bán gỗ ấy mua hai cái kẹo bé teo và cho vào miệng, mút từng tí trên đường trở về nhà và cảm thấy sung sướng vô cùng.
Nhìn lại cuộc đời nhiều lúc cũng rất vất vả, tuy nhiên dù bận bịu nhưng nhờ tâm trạng vui vẻ nên khắc phục được mọi việc, và tôi sống như vậy cho đến hôm nay.
Trong cùng một điều kiện, cùng một việc, có người nhăn nhó, có kẻ lại cười. Người có suy nghĩ tiêu cực chỉ nghĩ rằng mình làm việc vất vả dưới ánh nắng mặt trời mà không biết cái hạnh phúc khi đứng dưới bóng râm và tận hưởng làn gió mát thổi qua. Với họ thì mùa nào cũng có khuyết điểm.
Có người sinh ra tàn tật nhưng tâm trạng và tấm lòng tươi sáng, trở thành những người có ích và đáng tôn kính. Cũng có những người sinh ra mạnh khỏe nhưng vì suy nghĩ tiêu cực mà sống không ra sao, chẳng khác gì ngược đãi bản thân mình.
Có lần tôi nghe được một câu chuyện như sau từ một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình mà tôi khá thân. Một doanh nhân làm ăn thất bại nọ yêu cầu phẫu thuật cho vành tai trở nên dày hơn, và ngay sau đó công việc tiến triển rất thuận lợi. Một chính trị gia kia luôn cho rằng vì cái mũi của mình mà mỗi lần bầu cử ông ta đều thất bại, và ông ta đã nhờ đến phẫu thuật. Quả thật ông ta đã trúng cử vào lần bầu cử sau đó.
Tôi không nghĩ việc phẫu thuật thẩm mỹ của hai người đó có thể ảnh hưởng trực tiếp tới vận số của họ mà chính là kết quả việc cách suy nghĩ của họ chuyển sang tích cực. Hai người trên đều dùng phẫu thuật nhân tạo để sửa đổi phần mà họ cho là điểm yếu của mình và từ đó họ tự tin hơn.
Ở đây, cái quan trọng không phải là việc phẫu thuật mà chính là sự chuyển đổi sang lối suy nghĩ tích cực. Nếu suy nghĩ tích cực thì việc gì cũng giải quyết được, khi ấy suy nghĩ của chúng ta sẽ hướng đến thành công, từ đó nỗ lực tìm ra con đường đi tới thành công. Còn người suy nghĩ tiêu cực thì vì cho rằng họ hoàn toàn không có khả năng làm công việc nào nên sẽ dễ dàng buông xuôi và từ bỏ ước mơ.
Tất cả mọi sự phát triển của nhân loại đều được tạo thành dưới sự chỉ đạo và dẫn đường của những con người có lối suy nghĩ tích cực.
Xưởng đóng tàu Ulsan cũng bắt đầu từ suy nghĩ “có thể được” và trở thành thực tế. Lúc đó, để vay được 80 triệu USD, tôi đã phải đi các nước trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ và rồi tới nước Anh. Đến đây, người ta từ chối vì chúng tôi chẳng có kinh nghiệm làm loại tàu lớn như vậy, kỹ thuật cũng chẳng có. Nhưng tôi không từ bỏ và nói là chúng tôi sẽ làm được. Có lẽ vì tôi quá khăng khăng một cách bướng bỉnh nên họ đã thông qua đại sứ quán để nắm bắt các thông tin về các lĩnh vực của Hàn Quốc.
Thông tin đầu tiên mà họ nhận được từ Hiệp hội Tàu thuyền Hàn Quốc là “không thể làm được”.Tất nhiên khi đó câu trả lời ấy không phải vô lý. Và nước Anh lại từ chối chúng tôi một lần nữa. Nhưng tôi nhất định phải vay cho bằng được tiền ở nước Anh.
Tôi nói với họ: “Tất cả mọi việc nếu nghĩ là làm được thì đều có thể làm được. Nếu mà Hiệp hội Tàu thuyền nước tôi hoặc công ty tàu thuyền khác cho rằng việc này có thể làm được thì họ đã đến vay tiền các ông trước tôi. Chính vì họ nghĩ việc này không có khả năng làm được nên khi có ai hỏi họ thì đương nhiên họ sẽ trả lời là không thể. Nhưng tôi nghĩ rằng nhất định sẽ làm được. Mong các ông hãy thẩm định lại hồ sơ một lần nữa cho”.
Họ đồng ý và tiến hành tái thẩm định hợp đồng và chúng tôi đã thành công. Tất cả mọi việc, nếu suy nghĩ rằng không thể thì không thực hiện được việc gì cả. Chỉ có người suy nghĩ là có thể, nỗ lực thực hiện mới làm cho sự việc trở thành có thể.
Một quốc gia cũng vậy. Mọi người nghĩ rằng họ có thể thì mới làm cho đất nước mình giàu mạnh, phồn thịnh. Khi gặp việc gì khó khăn, tôi lại nghĩ đến hình ảnh “mấy con rệp bò lên trần nhà rồi buông mình rớt lên bụng người” và như vậy xuất hiện con đường giải quyết ước muốn của mình.
Nếu mang suy nghĩ tích cực thì cho dù trời có sập cũng có lỗ chui ra và việc gì cũng có thể làm được.
Người cả nghĩ nào cũng vậy, vẫn thấy hiện ra trước mắt mình những câu hỏi tại sao. Tại sao dân mình nghèo? Tại sao đất nước mình chậm phát triển? Động lực nào sẽ mang lại sự phồn thịnh và vững mạnh cho một dân tộc? Những câu hỏi đều có lời đáp...
Ông chủ Tập đoàn Hyundai cũng đã tự hỏi và tự tìm ra câu trả lời khi nhìn vào chính mình và nhìn ra xung quanh...
Phần XII: Lời bào chữa cho những đứa con vất vả
Sáng sớm, Chung Ju Yung đi bộ đến nơi làm việc cùng các con trai
TT - Muốn biết một doanh nghiệp có lành mạnh hay không thì nhìn vào cuộc sống riêng tư của chủ doanh nghiệp đó. Tôi cho rằng nếu chủ doanh nghiệp sống một cách lành mạnh thì doanh nghiệp đó cũng lành mạnh, và ngược lại, chủ doanh nghiệp sống không lành mạnh thì doanh nghiệp đó cũng không thể lành mạnh được.
Tôi muốn bảo vệ các con của mình
Tôi đã thấy con của nhiều gia đình giàu có bước lạc lối, lúc đó thì sự phê phán của các giới lại bùng lên. Tôi luôn muốn bảo vệ các con của mình. Ở tuổi đang lớn, nếu trở thành đối tượng phê phán của dư luận người ta sẽ trở nên tự ti, không phát huy được tố chất và năng lực của mình, và sẽ có nguy cơ trở thành những đứa con không có chí khí. Vì thế, tôi luôn lắng nghe lời khuyên của những người xung quanh và giáo dục con cái nghiêm khắc.
Tất cả em trai và các con tôi luôn sợ tôi la mắng, nên có điều gì muốn nói, họ không bao giờ nói trực tiếp với tôi mà nói qua vợ tôi. Và vợ tôi có vai trò che chở cho các con tôi.
Không giống như tôi, từ bé đến lớn, vợ tôi chưa bao giờ mắng mỏ chín đứa con một lời nào, cũng chưa một lần to tiếng. Tôi có qui định chỉ cho tiền tiêu vặt 5.000 won khi chúng cần, tuy nhiên vợ tôi thường giấu tôi và cho chúng thêm.
Tôi luôn dặn các con mình phải cần kiệm. Xem mình là con nhà giàu có rồi xa lánh người nghèo là điều cấm đầu tiên đối với các con tôi. Cũng như các em tôi, các con tôi không bao giờ đi đến trường bằng xe nhà, khi cần chúng có thể đi taxi. Khi còn trẻ, phải đi bằng cái xe cũ kỹ thì chúng mới hiểu hết cái hạnh phúc khi đi bằng xe riêng do chính mình làm ra.
Cũng có lúc tôi thật phiền lòng. Tôi muốn dạy con theo phương pháp của tôi nhưng càng lớn chúng càng khó bảo. Con dâu tôi dùng xe nhà chở cháu đi học, và còn cho chúng đi học những trường tiểu học đặc biệt. Tôi không bằng lòng nhưng vì vợ tôi luôn can ngăn và nói rằng cha chồng không nên can thiệp vào việc dạy con cái của các con mình, nên tôi chỉ im lặng và buồn một mình.
Muốn chúng nên người thì phải nuôi dạy chúng như tất cả mọi người dân khác. Có như vậy sau này khi làm được việc tốt, chúng mới cảm nhận được niềm hạnh phúc. Tôi lo lắng rằng những đứa cháu trai của tôi ngay từ nhỏ đã được đưa đón bằng xe nhà thì không biết sau này sẽ dựng vợ gả chồng cho chúng vào nhà nào đây.
Không phải tôi không hiểu sự khó khăn của các con tôi. Chúng cũng khổ sở vì là con của người nổi tiếng, sống trong môi trường giàu có mà phải chịu sự khống chế khắt khe. Tôi biết mình cũng có lỗi với gia đình; cả cuộc đời tôi, ngoài những lúc về nhà ngủ và ít phút ăn sáng ở nhà, tôi chỉ ở công ty hoặc đi gặp gỡ vì công việc, gần như tôi không có thời gian bên gia đình. Tôi không hoàn thành nghĩa vụ của người chồng, quá nghiêm khắc với con cái, và nếu mất con thì đây chính là điều tôi đau lòng và ân hận nhất.
Tôi vẫn còn nhiều việc phải làm
"Tôi đã minh chứng được rằng không phải có tài sản lớn thì mới thành một doanh nghiệp lớn. Cho nên tôi đã trở thành tấm gương chứng tỏ rằng người không có học và nghèo nàn vẫn có thể tạo dựng được một doanh nghiệp lớn.
Những người hiện đang trong hoàn cảnh khó khăn nhưng mang ước mơ lớn về tương lai chắc hẳn ao ước được như tôi. Người khác cũng thèm muốn và ghen tị vì sự giàu có của tôi, nhưng thực tế thì tôi lại sống mà chẳng có cảm giác mình là người giàu có.
Tôi hoàn toàn không liên quan đến việc công ty có bao nhiêu tiền. Tôi nghĩ rằng đồng tiền trong túi tôi và tiền để nuôi sống gia đình tôi mới chính là tiền của tôi, đó là những đồng tiền để giải quyết nhu cầu ăn mặc của bản thân và gia đình.
Ngoài mục đích ấy ra, tiền còn lại không phải thuộc sở hữu của tôi. Khi doanh nghiệp còn nhỏ thì tài sản thuộc về cá nhân, nhưng khi doanh nghiệp lớn lên thì tài sản trở thành của chung của tất cả những người lao động, xã hội.
Với tôi, chỉ cái cửa hàng gạo ngày xưa là tài sản mà tôi có".
Tôi chưa nghĩ là mình sẽ hoàn toàn từ giã công việc của mình. Tôi không thể quên được cha tôi, mùa đông ông cũng không nghỉ, đào từng gang đất trên ruộng tuyết. Tôi tự hỏi bao giờ được trở lại thời niên thiếu, được lái máy cày trên nông trường Sesan.
Tôi vốn sinh ra không thể ngồi yên một chỗ. Có một chút thời gian là tôi dành để chơi thể thao. Hồi còn ở Namsan, tôi hay bơi trong bể bơi trong nhà, sau đó tôi chuyển sang chơi tennis.
Thường khi làm việc ở công ty, nếu không có thời gian tập thể dục thì hằng sáng
Tôi là người rất thích thể thao, tôi thường xuyên chơi tất cả các môn thể thao để rèn luyện cơ thể và ý chí. Muốn cho tinh thần khỏe mạnh thì đầu tiên cơ thể phải khỏe mạnh. Tôi nghĩ rằng nếu một con người có thân thể khỏe mạnh và một tinh thần khỏe mạnh thì có thể mọi ước muốn của mình thành hiện thực.
Lúc rỗi rãi tôi nằm đọc báo. Tôi luôn luôn nghĩ đến công việc và tìm việc để làm. Hồi 18 tuổi, khi lao động tại các công trình, khát vọng được làm bất cứ điều gì để kiếm thêm tiền cho một cuộc sống tốt đẹp hơn thật là lớn; rồi khi kinh doanh cửa hàng gạo, vấn đề lớn nhất của tôi chính là làm thế nào để có lời nhằm duy trì sinh kế của gia đình.
Nhưng khi buôn bán rồi thành nghề, thành công ty thì tôi suy nghĩ về công việc nhiều hơn tiền bạc. Làm thế nào để duy trì và nuôi dưỡng công việc kinh doanh luôn là mối quan tâm của tôi. Khi ấy tôi không nghĩ nhiều đến tiền nữa.
Rõ ràng tiền có thể trở thành sức mạnh tinh thần và là nguồn động viên con người. Nhưng nếu chỉ quan tâm đến tiền, chạy theo đồng tiền thì cuộc đời sẽ mệt mỏi và bất hạnh.
Trong kinh doanh, chỉ sai một li là đi một dặm, phán đoán sai một điểm nhỏ cũng có thể gây thiệt hại hàng chục, hàng trăm và hàng tỉ won, mà thiệt hại của doanh nghiệp chính là thiệt hại của đất nước. Do đó phải nỗ lực hết mình cho công ty, cho đất nước khi gặp khó khăn hơn là hồi hộp lo sợ vì thiệt hại.
Suốt cuộc đời mình tôi luôn tìm bạn để có thể giãi bày bất cứ việc gì. Tôi giao lưu từ nhà văn, họa sĩ, diễn viên... cho đến chủ nhân mấy cửa hàng nhậu lưu động hay cả bà chủ cái quán bé tí trong ngõ nhà tôi. Sự giao lưu rộng rãi làm cho tôi không mất đi sự hài hước, không mang định kiến với mọi người, nhìn đời bằng đôi mắt thiện cảm, thông cảm hơn.
Và từ việc hiểu hoàn cảnh của họ, tôi có thể tránh được những cạm bẫy mà con người dễ sa vào. Tất cả những điều tôi có được trong việc giao tiếp với mọi người là nguồn năng lượng sáng tạo trong công việc điều hành công ty của tôi.
Các bạn vừa đi ngang qua một cuộc đời; qua 12 câu chuyện thăng trầm, cay đắng nhưng tràn đầy nhiệt huyết và niềm tin của một con người coi mọi thất bại đều là thử thách, là thử thách ngay cả lúc đã thấy đường cùng. Tập đoàn Hyundai chính là kỳ tích của ông…
Nhưng con người ấy không tin vào kỳ tích. Ông chỉ tin vào sự nỗ lực không mệt mỏi. 76 tuổi, cuộc đời viên mãn này vẫn nói “việc tôi phải làm còn nhiều lắm”. Và tự truyện cũng là một cách ông làm việc, để trao gửi một niềm tin, một bí quyết đi đến thành công.
Phần XIII: Một con người dám thực hiện ước mơ
TT - “Một con người dám thực hiện ước mơ”. Ông Chung Ju Yung không tự nói về mình như thế, nhưng đó là điều người đọc nghĩ về cuộc đời ông, cuộc đời của một người lao động giàu có. Như ông tự nghĩ như thế về mình…
Kỳ cuối cùng của loạt bài này cũng chính là lời mở đầu tâm huyết của cả cuốn tự truyện.
Tinh thần tiến thủ và niềm tin chính là “chìa khóa để làm nên kỳ tích”. Tôi chỉ là người luôn mang niềm tin vững vàng và phấn đấu một cách bất khuất chứ không phải là một con người đặc biệt.
Tôi nghĩ rằng dù là một quốc gia hay một doanh nghiệp thì cội rễ để thành công nằm ở việc những nhân vật chủ chốt của doanh nghiệp đó, quốc gia đó có tinh thần tiến thủ mạnh mẽ ra sao và hành động như thế nào mà thôi.
Nhìn vào lịch sử 5.000 năm của Hàn Quốc trong những thời kỳ mà tinh thần tiến thủ của dân tộc Hàn dâng cao thì đất nước đã phát triển không ngừng. Chúng ta tiến vào tận đại lục, tiến ra biển để mở rộng bán đảo chật chội của mình. Còn một khi chí khí tiến thủ ấy mất đi thì chúng ta chẳng suy nghĩ gì đến những việc trọng đại ấy mà lại đi gây hấn với chính anh em một nhà, để một thời gian dài trôi đi lãng phí và chẳng có sự phát triển đáng kể nào cả.
Quá khứ dù có vĩ đại đến mấy, khoa học kỹ thuật có hiện đại đến mấy, điều kiện nền tảng cơ sở dù có tốt đến mấy, nhưng nếu ngày hôm nay chúng ta không có tinh thần tìm tòi cái mới, không có sự nỗ lực sáng tạo, tinh thần vươn lên thì vinh quang của ngày hôm nay sẽ trở thành quá khứ trong giây lát.
Đất nước Hàn Quốc đã trải qua một giấc ngủ dài, bắt đầu tỉnh dậy vào những năm 1960 và đến nay đã đạt được sự phát triển nhảy vọt, giữ một vị trí mà thế giới phải chú ý. Trong sự phát triển nhảy vọt đó, tôi tự hào vì Hyundai của chúng tôi đã đóng vai trò dẫn đầu trong nền kinh tế Hàn Quốc. Nếu ai đó hỏi động lực nào đã đưa Hyundai trở thành doanh nghiệp phát triển vượt bậc, mang tầm cỡ thế giới thì tôi có thể trả lời không chần chừ rằng: đó là vì chúng tôi là một tập thể tập hợp những người có chí vươn lên và tinh thần tìm tòi cái mới một cách hăng say.
Chúng tôi đã từng bước khai thác nhiều lĩnh vực mới trong xã hội công nghiệp Hàn Quốc mà khi đó vẫn còn như một mảnh đất hoang sơ. Hyundai đã khai phá ngành xây dựng tại Hàn Quốc, tạo ra ngành đóng tàu và cũng mở đường cho ngành sản xuất ôtô Hàn Quốc phát triển.
Tôi rất thích một đoạn văn. Đó là lời nguyện cầu của tướng MacArthur, tôi sửa lại một vài chỗ và dặn dò nhân viên mới vào công ty xem. Đoạn văn ấy như sau:
“Xin Chúa hãy ban cho con sức mạnh để có thể đứng vững và nhìn rõ bản thân mình khi con yếu đuối và mất niềm tin, cho con sức mạnh để con không lùi bước trước thất bại, sức mạnh để con khiêm tốn và ôn hòa mỗi khi chiến thắng.
Điều con mong muốn là đừng bao giờ dẫn con vào nơi an bình, hãy chỉ cho con cách chống cự với những thử thách và khó khăn.
Hãy chỉ cho con cách chiến đấu dũng cảm trong bão tố và cách thông cảm với kẻ chiến bại.
Hãy ban cho con sức mạnh để con biết cười đồng thời không mất đi tiếng khóc, để con nhìn về tương lai mà không quên đi quá khứ.
Và cuối cùng, hãy cho con biết thế nào là niềm vui trong cuộc sống, thế nào là sống nghiêm túc với bản thân mình.
Và hãy cho con ghi nhớ rằng điều vĩ đại chính là điều giản dị và sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng”.
Xét theo các nguyên lý về kinh tế, tất cả những gì sẵn có tại Hàn Quốc hầu như không tạo điều kiện để phát triển mạnh một lĩnh vực nào. Chẳng có tài nguyên, chẳng có vốn và cũng chẳng có sự tích lũy kỹ thuật nào để có thể chiến thắng trong cuộc chiến cạnh tranh. Đó chính là hiện thực của nền kinh tế Hàn Quốc.
Tuy vậy, ngành công nghiệp của chúng tôi phát triển được như ngày hôm nay chính là kết quả của sự nỗ lực, tinh thần gánh vác sứ mệnh của chúng tôi. Cùng với tính mạo hiểm và óc sáng tạo, ý chí tiến thủ đã giúp chúng tôi bù đắp những thiếu thốn của mình.
Tôi còn nhớ khi Nhà máy đóng tàu Hyundai đang ra sức khắc phục những khó khăn thì một vị phó thủ tướng phụ trách kinh tế Hàn Quốc thời đó, đồng thời là một nhà kinh tế học khả kính, đã gọi tôi tới. Ông ta khẳng định chắc chắn rằng đây là việc không có khả năng thực hiện được và nói nếu ngành đóng tàu của Hyundai thành công thì ông ấy sẽ đốt mười ngón tay và lên thiên đường. Vậy mà hôm nay Hyundai đã trở thành nhà máy đóng tàu số một thế giới, còn ông ấy vẫn sống trên trái đất này.
Ngày hôm nay nếu chỉ làm những việc mà các nước công nghiệp chưa làm, hay làm những việc mà các nước tiên tiến không đủ khả năng thực hiện, tìm những thị trường mà các nước tiên tiến không đặt chân tới do thiếu nhân lực thì ngành công nghiệp Hàn Quốc chẳng có việc gì mà làm nữa.
Các nước tiên tiến luôn mong muốn chúng tôi làm những gì mà họ chưa làm đến. Tuy nhiên nếu chúng tôi chỉ theo đuổi điều ấy thì chẳng những không có việc gì để làm mà còn không thể phát triển và tồn tại được.
Nếu chúng ta chần chừ bước vào những lĩnh vực mà chúng ta còn thua kém hay chưa biết, hoặc chúng ta lẩn tránh những công việc mệt nhọc thì chúng ta đang tự xếp mình vào nhóm những người theo chủ nghĩa thất bại.
Khi tôi nói rằng tôi sẽ tham gia lĩnh vực mạch bán dẫn, các tạp chí kinh tế trên thế giới đã nhanh chóng đón đầu và hỏi rằng chúng tôi có biết việc bước vào thị trường đòi hỏi trình độ cao này còn khó hơn cả hái sao trên trời không? Còn một số trí thức của Hàn Quốc lúc bấy giờ thì nói chúng tôi làm việc không có chọn lọc. Nhưng vì tương lai của Hàn Quốc, tôi vẫn tin tưởng chắc chắn lĩnh vực này sẽ thành công, và tôi đã đúng.
Tất cả mọi việc thành hay bại đều phụ thuộc vào cách suy nghĩ và hành động của mỗi người. Có thể đó là một việc mạo hiểm vô cùng nhưng nếu không chấp nhận mạo hiểm, chúng ta sẽ thụt lùi và bị nhấn chìm trong những gì mình đang có. So với quá khứ thì giờ đây Hàn Quốc đã phát triển rất nhiều, tuy nhiên nếu chúng ta bằng lòng với hiện tại thì rất dễ rơi vào tình trạng tụt dốc. Hiện nay, chúng ta dường như đang chững lại và nhiều khó khăn có thể ập đến một lúc.
Nhiều học giả cho rằng nước Đức có kỳ tích sông Rhine, và gọi nền công nghiệp Hàn Quốc là “kỳ tích sông Hàn”. Tuy nhiên về kinh tế và chính trị thì không bao giờ có kỳ tích. Cái gọi là kỳ tích là kết quả của sự nỗ lực không mệt mỏi, sức mạnh tinh thần và niềm tin mãnh liệt vào công việc mình muốn làm.
Tôi dấn thân vào những công việc đầy thử thách và trải nghiệm niềm vui vì đã chinh phục được nó. Tất cả những điều ấy đã giúp tôi gây dựng nên các doanh nghiệp như ngày nay và vẫn tiếp tục đón nhận những thách thức mới. Tiềm năng của con người là vô hạn, và điều đó hứa hẹn một khả năng vô hạn với bất cứ ai. Tôi chỉ là một người nhiệt tình nắm bắt các tiềm năng của mình, biến những khả năng ấy thành hiện thực chứ không phải là con người đặc biệt.
Với bất cứ ai hay việc gì cũng vậy. Nếu dùng tinh thần tiến thủ để biến tất cả những cái mình cần thành của mình bằng tinh thần sáng tạo, biến kinh nghiệm nhỏ nhoi thành hiện thực lớn thì người ta không chần chừ bất cứ điều gì trong cuộc đời họ. Có niềm tin vào mục tiêu của mình, nỗ lực một cách tương xứng với công việc đó thì ai cũng có thể làm được điều mình muốn.
Hiện nay hình như cũng có người đánh giá tôi là một nhà điều hành kinh doanh có tầm cỡ thế giới, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ mình là một nhà tư bản. Tôi chỉ là một người lao động giàu có, là người làm ra hàng hóa bằng chính sức lao động mà thôi.
HẾT
No comments:
Post a Comment